Nuôi tôm trong nhà lưới không còn xa lạ với người trong nghề, nhưng vẫn bị hạn chế bởi những khuyết điểm nhất định.
Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng được xem là nghề “hái ra vàng” nhờ vào tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước biến đổi khí hậu và vấn đề dịch bệnh phát sinh ngày càng nhiều, cách nuôi truyền thống không còn mang lại hiệu quả như mong đợi. Chính vì thế, các mô hình tiên tiến ra đời, mang đến giải pháp ngày càng ưu việt. Vấn đề thay đổi nhiệt độ nước hay nước phân tầng đã không còn là trở ngại đối với các hộ nông nhờ vào kỹ thuật nuôi tôm trong nhà lưới.
Đáp ứng như cầu “ở trong mát” của tôm
Lưới lan với công dụng che, chắn nắng được làm từ nhiều màng nhựa PE cán mỏng, liên kết với nhau bằng các sợi chỉ đan lại để tạo thành một tấm lưới lớn. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại được sản xuất trong và ngoài nước, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu lưới từ Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc,… với nhiều màu sắc khác nhau như đen, xanh lá cây, xanh da trời. Mỗi màu sắc hay xuất xứ đều có công dụng về độ che nắng (từ 50-80%) hay chống nước khác nhau, tùy theo mục đích và đặc trưng địa hình, khí hậu vùng miền mà chọn lưới che chắn cho phù hợp.
Lưới che nắng có độ che phủ 70-80% ánh sáng, được nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, thích hợp làm nhà lưới cho ao ương tôm giống. Đến giai đoạn nuôi thương phẩm, chỉ cần loại lưới che được 50-60% nắng, nhằm đảm bảo đủ ánh sáng để tôm phát triển là loại thích hợp dùng cho ao nuôi tôm, loại này thường được sản xuất trong nước. Giá các loại lưới dao động từ 5.000- 12.000đ/m2 tùy theo khối lượng và quy cách lưới, tuổi thọ lưới từ 2-7 năm.
Nuôi tôm trong nhà lưới giúp chủ động nhiệt độ, tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ảnh Tepbac
Việc lựa chọn loại lưới đúng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.
Ưu điểm nổi bật nhất của mô hình này chính là kiểm soát tốt nhiệt độ nước trong ao. Nuôi tôm trong nhà lưới giúp hạn chế thấp nhất tác động khách quan từ môi trường tự nhiên, tránh tăng nhiệt độ nước khi nắng nóng hay hạn chế tình trạng phân tầng, giảm độ mặn trong ao khi trời mưa. Ngoài ra, hạn chế vật trung gian truyền bệnh từ ao này sang ao khác như các loài bay trên trời mang vào ao, giảm thiểu dịch bệnh trong suốt vụ nuôi.
Theo khảo sát từ thực tế, mô hình này có thể hạn chế 70% lây lan mầm bệnh. Mặc dù giảm diện tích nuôi nhưng tăng năng suất, nhờ đó mà hiệu quả kinh tế vẫn được đảm bảo.
Tôm cần “chiều” hơn thế
Vấn đề mà nuôi tôm trong nhà lưới vấp phải chính là giá tôm dễ bị ảnh hưởng bởi tác động xã hội, điển hình nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua. Bài học rút ra là chúng ta hiện tại có thể hoàn toàn chủ động trong “cuộc chơi” này. Nhưng bằng cách nào?
Nuôi tôm trong nhà lưới được áp dụng rộng rãi khắp các tỉnh thành. Ảnh Tepbac
Nuôi tôm trong nhà lưới phổ biến từ năm 2013, bước đầu đã gây nên tiếng vang nhất định trong ngành. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm, nhiều mô hình tiên tiến khác ra đời, được áp dụng cùng với nhà lưới để tối đa hóa lợi nhuận cho mỗi vụ. Hướng đi mới trong tương lai chính là nuôi tôm công nghệ cao.
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới không quá cầu kỳ hay cao siêu như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần cài phần mềm vào điện thoại, ghi nhật ký ao nuôi ngay trên chiếc điện thoại của mình là có thể dễ dàng quản lý kho thức ăn, thuốc, quản lý chi phí. Phần mềm này sẽ gợi ý cho bà con lúc nào nên bán thì sẽ thu được lợi nhuận cao nhất thông qua các thông tin mà bà con cung cấp trong suốt vụ nuôi.
Hơn nữa, với thiết bị đo môi trường, người nuôi không cần ra ao mà vẫn có thể cập nhật thường xuyên các chỉ số môi trường nước, nhờ đó, chủ động trong việc theo dõi pH, oxy hòa tan, nhiệt độ, độ mặn, chỉ số oxy hóa khử (ORP). Cảnh báo ngay khi có bất thường để bà con kịp thời đưa ra phương án xử lý.
Bật tắt quạt tự động bằng công nghệ cao giúp bà con tiết kiệm điện trong quá trình nuôi. Ảnh Tepbac
Đã có nhiều hộ nông mạnh dạn đầu tư vào mô hình này và mang đến kết quả khả quan. Người nuôi cho biết, ngoài kết quả về mặt năng suất, tôm đạt size lớn, tính ổn định về môi trường ao nuôi thì mô hình đã tiết giảm tối đa các chi phí về thức ăn, hóa chất, vi sinh, tiền điện và công lao động… tỷ lệ thành công đạt hơn 90%. Ngoài ra, mô hình kết hợp nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trong nhà lưới giúp người nuôi có thể nuôi được từ 4-6 vụ/năm. Bước tiến này hứa hẹn mở ra thời kỳ mới cho nuôi tôm Việt Nam.
Nuôi tôm mỗi thời mỗi khác, thành công trong quá khứ không đồng nghĩa với việc trong tương lai vẫn sẽ mãi như vậy! Đã không còn khái niệm “lấy công làm lời”, ngày nay máy móc có thể thay thế con người làm những việc đơn giản cho đến phức tạp, tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công và nhiều hơn thế cho chủ hộ nuôi.
Nguồn: Tepbac.com