Diện tích nuôi tôm của Nghệ An cả năm 2022 đạt 2.260,5ha, sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch đạt 9.207 tấn, giá trị ước đạt 1.650 tỷ đồng, bằng 138% so năm 2021.
Sáng 10/3, tại huyện Quỳnh Lưu, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị triển khai vụ nuôi tôm năm 2023. Tham dự hội nghị có đại diện các chi cục: Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y, các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường ven biển và một số tổ chức, cá nhân nuôi tôm thương phẩm tiêu biểu.
Trong năm 2022, nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng của Nghệ An sản xuất trong bối cảnh thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao, người dân thiếu vốn đã ảnh hưởng đến sản xuất giống cũng như nuôi tôm thương phẩm.
Song được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, cũng như chính quyền địa phương và sự sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ cao của các cá nhân/tổ chức; thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán tăng cao nên nuôi tôm thương phẩm năm 2022 đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh cả năm 2022 đạt 2.260,5 ha bằng 104,24% so với năm 2021. Sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch đạt 9.207 tấn bằng 108,28% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất, ương dưỡng tôm giống đạt 2.555 triệu con bằng 103,99% so với năm 2021. Giá trị sản xuất tôm nuôi mang lại đạt 1.650 tỷ đồng, bằng 138% so với năm 2021.
Tuy nhiên, tình hình bệnh trên tôm nuôi năm 2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tổng diện tích bị bệnh 116,83 ha gấp 4,9 lần so năm 2021. Trong đó, bệnh đốm trắng 62,63ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 45,03ha; tôm chết không rõ nguyên nhân 9,17ha.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, năm 2023 tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của môi trường nước, khí hậu… Do vậy, chính quyền các địa phương và người nuôi tôm cần thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.
Thu hoạch tôm nuôi ở Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Tại hội nghị, một số tổ chức, cá nhân nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn Quỳnh lưu, Diễn Châu… cho rằng, hiện nay phần lớn hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn đang manh mún về diện tích ao hồ; tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước vẫn phức tạp, nguyên nhân là các hộ nuôi xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó hệ thống kênh mương cấp nước xuống cấp.
Người nuôi tôm đề xuất, Nhà nước cần nạo vét, nâng cấp các dòng sông chính trong vùng nuôi tôm để giảm ô nhiễm môi trường nguồn nước. Hiện nay nguồn đầu vào đối với nghề nuôi tôm tăng cao, do vậy cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại vật tư đầu vào và con giống để tránh rủi ro cho người nuôi tôm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Xuân Học yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục khắc phục những khó khăn để có một năm nuôi tôm thắng lợi. Các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường để kịp thời thông báo đến người nuôi; quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nuôi tôm theo hướng áp dụng công nghệ, công nghệ cao, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn hiệu quả giúp người nuôi, giảm thiệt hại… nhằm sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.