GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO NGÀNH TÔM TRONG TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19

Đó là chủ đề của Diễn đàn tôm Việt năm 2021 được tổ chức online trên nền tảng Zoom sáng ngày 01/9/2021 được Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất tôm của Việt Nam.

2196

         Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, và ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội nghề cá đồng chủ trì Diễn đàn, với sự quan tâm, tham gia của 700 điểm cầu và hơn 200 lượt xem trên Youtube, với hơn 1.500 đại biểu các tỉnh đến từ các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thuỷ sản, các Hiệp hội, người nuôi tôm của các tỉnh ven biển và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, tôm giống.
         Mở đầu nội dung Diễn đàn, Tổng cục Thủy sản báo cáo hiện trạng sản xuất của ngành tôm hiện tại gặp nhiều khó khăn, cụ thể do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các cơ sở sản xuất giống tôm đều đã giảm 30-40% công suất, đồng thời áp dụng khuyến mãi 50-100% tôm mới có thể bán được. Hiện có 33/35 nhà máy sản xuất thức ăn còn hoạt động, đáp ứng cho nhu cầu khoảng 750.000 tấn thức ăn đến cuối năm. Ngoài ra giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh cũng đang thấp hơn 10.000 -20.000 đồng/kg so với trước khi dịch bệnh. 
         Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Minh Phú cũng nhận định, hiện nhà máy chỉ duy trì được 25% lượng công nhân, xuất khẩu trong tháng 8/2021 đã giảm 30,6% và việc vận chuyển tôm nguyên liệu về nhà máy cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó để ổn định công suất cho nhà máy đang thiếu nhân công thì Công ty tăng cường thu mua tôm size lớn. Ngoài ra ông cũng đề xuất thêm là người dân hiện nay nên giảm 50-60% mật độ thả để duy trì sản xuất và đưa được tôm về size lớn vì các mặt hàng tôm size 10-45 con/kg tiêu thụ rất tốt.
         Nhìn chung hầu hết các đại biểu tham dự Diễn đàn ở các tỉnh đều nêu ra ý kiến chung là việc vận chuyển vật tư đầu vào, đầu ra gặp rất nhiều khó khăn khi qua các chốt kiểm dịch, đồng thời giá tôm giảm sâu dẫn đến nhiều người dân không dám mạnh dạn thả lại.
          Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đối với tỉnh Sóc Trăng thì tương đối thuận lợi hơn trong đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bà Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã báo cáo tại diễn đàn là diện tích tôm trên đồng của tỉnh đang còn khoảng 19.000 ha; tất cả đội ngũ của các nhà máy chế biến thực hiện “3 tại chỗ” đều đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19; và đang bố trí tiêm vắc-xin cho các đối tượng tham gia trong ngành hàng nông nghiệp nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng thời, bà Bình cũng kiến nghị và đề xuất là cần có giải pháp hữu hiệu để quản lý giá thức ăn nuôi tôm; Hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm 10-30% trong khoảng 01 năm (tính từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) và các chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị tôm để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
         Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã ghi nhận những ý kiến cũng như đề xuất của các đại biểu. Tổng cục Thủy sản sẽ tổng hợp lại và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho chuỗi cung ứng ngành tôm và để ổn định sản xuất./.
Bài viết liên quan
Gọi Ngay
chat-active-icon