Bến Tre: Phát triển 2.000 ha tôm nuôi công nghệ cao năm 2021

Theo UBND tỉnh Bến Tre, với dáng hình gần như một tam giác cân và được hợp thành bởi 3 cù lao lớn là: Cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ, tỉnh Bến Tre coi hướng Đông tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km là lợi thế để mở ra một không gian phát triển kinh tế biển mới cho tỉnh.
1 1

 

Hiện nay, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Bến Tre phát triển mạnh, diện tích nuôi tôm biển 41.200ha, trong đó nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đạt 11.030ha, diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 1.650ha, sản lượng 70.280 tấn/năm.

Ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về việc phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết hướng Đông).

Theo đó, Bến Tre đề ra kế hoạch tới năm 2025, tỉnh phát triển hơn 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao (CNC) và đến năm 2030 là 5.000 ha.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Bến Tre, năm 2020, năng suất nuôi tôm biển thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh đạt bình quân từ 6 – 7 tấn/ha. Riêng nuôi tôm thâm canh bình quân từ 10 – 12 tấn/ha. Đặc biệt, nuôi tôm thâm canh theo hướng CNC năng suất đạt từ 60 – 70 tấn/ha. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm CNC còn khá khiêm tốn, chỉ 1.680 ha trên tổng số 11.400 ha nuôi tôm hình thức thâm canh, bán thâm canh thả xoay vòng và trên tổng số 35 ngàn ha nuôi tôm biển (bao gồm cả diện tích nuôi tôm lúa, nuôi quảng canh, xen rừng khoảng 24 ngàn ha).

Sở NN&PTNT Bến Tre định hướng phát triển đến năm 2021, diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 2.000 ha, sản lượng nuôi đạt 48.000 tấn.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế thủy sản nói riêng, kinh tế-xã hội của địa phương vùng ven biển nói chung.

Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Bến Tre sẽ có 4.000 ha nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) ứng dụng công nghệ cao; trong đó, huyện Ba Tri có 500 ha, huyện Bình Đại có 2.000 ha và huyện Thạnh Phú có 1.500 ha. Đến năm 2025, sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao dự kiến đạt 144.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%. Giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%.

Theo thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, hiện sản xuất giống thủy sản của tỉnh đã được đầu tư quy mô hơn, nhiều doanh nghiệp có năng lực đầu tư với công suất khoảng 3-6 tỷ giống/năm như: Công ty TNHH Việt – Úc, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH giống Thủy sản Toàn Cầu… góp phần chủ động về con giống của tỉnh. Tỉnh Bến Tre có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, xã Thừa Đức huyện Bình Đại và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Hình thức nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghệ cao từng bước phát triển dưới sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và đã xây dựng nhiều điểm trình diễn trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú được phát triển từ năm 2016 với diện tích ban đầu 250 ha, đến năm 2020 tăng lên với tổng diện tích 1.680 ha (Bình Đại 800 ha, Ba Tri 150 ha, Thạnh Phú 730 ha), năng suất bình quân 60 -70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là tiện lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

NGUỒN: vasep.com.vn

Bài viết liên quan
Gọi Ngay
chat-active-icon