Hỏi: Các giai đoạn lột xác của tôm và nhu cầu oxy hòa tan trong quá trình lột xác của tôm?
Trả lời: Chu kỳ lột xác của tôm chia thành nhiều giai đoạn, bao gồm giai đoạn sau lột xác (A, B), giữa lột xác C (giai đoạn cứng vỏ), giai đoạn trước lột xác D (D1, D2..), và giai đoạn lột xác E (lớp vỏ bung ra).
Đối với nhu cầu oxy hòa tan trong chu kỳ lột xác, một vài nghiên cứu cho thấy giai đoạn trước lột xác (D) nhu cầu oxy hòa tan 7,6%, giai đoạn lột xác (E) nhu cầu oxy hòa tan 12,2%, và sau khi lột xác nhu cầu oxy hòa tan 86,2%. Đây cũng là lý do vì sao tôm sẽ chết sau khi lột nếu ao nuôi có hàm lượng oxy thấp, đặc biệt là các yếu tố gây độc cao như NH3, NO3-, H2S.
Do đó, cần lưu ý ở những ao nuôi mà oxy tương đối thấp thì tôm sau khi lột xác sẽ thiếu oxy do tôm sử dụng nhiều oxy hơn trong giai đoạn này. Nên yêu cầu về oxy trong ao nuôi tôm phải lớn hơn 5,0 mg/L.
Sơ đồ các giai đoạn tôm lột xác, trong đó giai đoạn sau lột xác (A, B) có thời gian không dài nhưng nhu cầu oxy hòa tan rất cao, đến 86,2%
Hỏi: Trong quy trình ương tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Bioflocs, mật độ ương tốt nhất là bao nhiêu? Tỉ lệ sống và năng suất đạt khoảng bao nhiêu?
Trả lời: Hiện nay mật độ ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng theo công nghệ bioflocs tốt nhất là 200 ấu trùng/lít. Tỉ lệ sống của Postlarvae dao động trong khoảng 50-60%, năng suất từ 100.000-120.000 Postlarvae/m3 (Sổ tay Kỹ thuật ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei theo công nghệ bioflocs, Trường Đại học Cần Thơ).
Hỏi: Trong quy trình ương tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ bioflocs, khi bổ sung nguồn carbon, dạng nào tốt nhất? Và với tỉ lệ C/N bao nhiêu là phù hợp nhất?
Trả lời: Kết quả thử nghiệm cho thấy, bổ sung carbon có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, bổ sung nguồn carbon từ đường cát là tốt nhất với tỉ lệ C/N = 20.
Hỏi: Ảnh hưởng của nhiệt độ trong quá trình ương ấu trùng tôm sú?
Trả lời: Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Cần Thơ thì nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nở và phát triển của ấu trùng tôm sú. Cụ thể, ở nhiệt độ 34oC trứng không nở nhưng ở nhiệt độ 32oC thì thời gian phát triển phôi ngắn, chiều dài của hậu ấu trùng (PL15) lớn hơn ấu trùng ương ở 28oC. Giai đoạn tôm PL15-PL60 thì nhiệt độ tối ưu cho tăng trưởng khối lượng và chiều dài là 30-31oC, và thấp nhất ở 27-28oC. Tôm chết hoàn toàn khi ương ở nhiệt độ 36-37oC (Đỗ Văn Bước và CTV, 2021).
Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nở và phát triển của ấu trùng tôm sú. Ảnh: testsera.vn
Hỏi: Hiện nay, công nghệ Biolfocs được ứng dụng trong sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ. Vậy thành phần của Bioflocs gồm?
Trả lời: Bioflocs là các cụm kết dính gồm vi khuẩn, vi tảo, động vật nguyên sinh và các vi sinh vật khác cùng với các mảnh vụn hữu cơ kết thành các hạt bioflocs có đường kính 0,1 đến vài mm.
Hỏi: Hiện nay trên thị trường nuôi tôm, một số thiết bị phục vụ cho sục khí mịn được gọi là nanobubble hoặc microbubble. Xin hỏi sự khác nhau là gì?
Trả lời: Nanobubble là bọt khí có đường kính nhỏ hơn 1.000 nm (hay 1 µm). Trong khi đó, microbuble là những bọt khí có đường kính từ 1-10 µm. Khi tạo ra bọt khí, kích thước bọt khí nabobubble còn bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như là pH nước. Người nuôi sẽ khó khăn trong việc nhận biết vì không có phương pháp đo.
Hỏi: Các nguyên tắc trong tiêu chuẩn nuôi tôm hữu cơ Việt Nam?
Trả lời: Nguyên tắc tôm hữu cơ Việt Nam có thể tham khảo TCVN 11041-8:2018. Tham khảo tại đây.
Theo đó, nuôi tôm hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc chung theo Điều 4 của TCVN 11041-1:2017 và các nguyên tắc cụ thể như sau:
a) Hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc từ tự nhiên;
b) Sử dụng giống tôm có khả năng kháng bệnh;
c) Duy trì môi trường nước lành mạnh và bảo tồn các hệ sinh thái thủy sinh, hệ sinh thái trên cạn xung quanh;
d) Sử dụng thức ăn cho tôm từ nguyên liệu thủy sản được khai thác bền vững, thức ăn hỗn hợp chế biến từ các thành phần nguyên liệu hữu cơ và các thành phần có nguồn gốc tự nhiên;
e) Tránh gây hại đối với các loài cần bảo tồn trong quá trình nuôi tôm hữu cơ.
Hỏi: Quy định về hàm lượng thủy ngân (Hg) trong sản phẩm thủy sản?
Trả lời: Ngày 12/4/2022, Ủy ban châu Âu (EU) ban hành quy định số 2022/617, thay thế quy định 1881/2006 về dư lượng tối đa của thủy ngân trong thủy sản. Theo đó, dư lượng Hg trong thủy sản được quy định dao động từ 0,3-1 μg/kg, tùy loại sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 3/5/2022.