Đầu tư nuôi tôm trong nhà kính tốn 1 thì nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính tốn 10. Dẫu thế nhưng nhiều người vẫn quyết tâm làm, lý do vì đâu?
Người mua màng làm nhà kính thường có thói quen lùng sục khắp nơi so sánh giá cả, nghe người này, tin người kia để mua được hàng “giá rẻ- chất lượng cao” hoặc chấp nhận bỏ tiền một lần để xài được lâu dài theo suy nghĩ “tiền nào của nấy”. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng kỳ thực có thể dung hòa hai lối nghĩ trên bằng cách dựa vào các tiêu chí quan trọng dưới đây để vừa đảm bảo tuổi thọ của màng, vừa tiết kiệm tối đa chi phí.
Bí kíp chọn màng nhà kính “ngon- bổ- rẻ”
Cái đầu tiên cần phải xét chính là ưu tiên chọn loại màng có thời gian sử dụng lâu nhất, bền bỉ với cái lạnh của miền Bắc, mưa bão thất thường của miền Trung hay cái nóng của miền Nam. Điều này có ý nghĩa trong việc hạn chế màng bị rách, hư hỏng, tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công trong mỗi lần sửa chữa, thay mới.
Thứ hai, mỗi vùng miền sẽ phù hợp với loại lưới khác nhau. Xây dựng nhà kính ở vùng có khí hậu thường nóng, nên chọn loại màng có khả năng khuếch tán ánh sáng tốt sẽ giúp nhiệt độ bên trong nhà kính đỡ nóng hơn, nhất là vào mùa hè. Ngược lại, đối với những nơi có khí hậu mát mẻ, nên chú ý độ ẩm, lượng mưa để chọn loại màng không bị đóng nước, độ khuếch tán ánh sáng thấp, đặc biệt những nơi có mùa đông, điều này giúp đảm bảo nhiệt độ bên trong luôn cao hơn bên ngoài từ 5-10OC.
Ngoài ra, độ dày màng kính nằm trong khoảng từ 0,1-0,2mm là tốt nhất. Có 3 loại màng chính được bà con tin dùng: màng nhà kính Politiv Israel, màng nhà kính Apollo Hàn Quốc và màng PO SkyCoat T5-5 lớp Nhật Bản. Mỗi loại màng có ưu nhược điểm khác nhau, tùy theo nhu cầu và vùng miền để lựa chọn loại kính phù hợp nhất cho mùa vụ của mình
Lựa chọn đúng loại màng phù hợp với khí hậu vùng miền đặt ao nuôi tôm là một trong những phương án giúp nông hộ tiết kiệm chi phí đầu vào. Ảnh Tepbac
Cuối cùng, nơi “chọn mặt gửi vàng” để đầu tư cho cả vụ nuôi cũng không kém phần quan trọng. Hiện nay, không khó để tìm các cửa hàng cung cấp màng nhà kính, tuy nhiên, về chất lượng vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với người mua. Đã có không ít bà con mua nhầm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng,… gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và cả năng suất vụ nuôi cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, lời khuyên trong trường hợp này chính là chọn nơi uy tín, chất lượng, tránh tiền mất tật mang.
Tiết kiệm, tiết kiệm hơn nữa bằng công nghệ cao
Nuôi tôm trong nhà kính được xem là mô hình nuôi công nghiệp và rõ ràng Việt Nam có lợi thế nhất định trong lĩnh vực này. Ấy vậy mà hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự tốt như kỳ vọng.
Để tạo nên những thay đổi tích cực ở phương diện này, trước hết cần thay đổi tư duy của người nuôi. Khi mà nuôi tôm truyền thống đã không còn thích hợp với mật độ cũng như môi trường ngày nay, chúng ta cần những thứ đột phá, tiên tiến và tiết kiệm hơn. Nuôi tôm công nghệ cao chính là giải pháp tối ưu nhất.
Nuôi tôm công nghệ cao thay thế nuôi truyền thống giúp người nuôi chủ động trong việc quản lý kho, thức ăn, nhật ký ao nuôi… Ảnh Tepbac
Không phải chỉ cần nuôi tôm trong nhà kính, lắp đặt máy thông gió đã là nuôi tôm công nghệ cao. Công nghệ cao chính là sử dụng máy móc thay sức người: máy đo quan trắc môi trường giúp thông báo cho người nuôi các chỉ số quan trọng như pH, oxy hòa tan, nhiệt độ, độ mặn, chỉ số oxy hóa khử; máy sẽ cảnh báo khi có một trong các chỉ số trên vượt quá ngưỡng cho phép, để chủ trại kịp thời đưa ra cách xử lý. Hay phần mềm trên điện thoại giúp quản lý thức ăn, thuốc, quản lý kho, ghi nhật ký trang trại từ xa, tất cả chỉ bằng cú nhấp tay…và nhiều hơn thế nữa.
Nuôi tôm công nghệ cao không quá xa vời như nhiều người nghĩ, cũng không tốn kém như lời đồn. Có thể việc dồn tiền một lần để sắm các máy móc làm bà con “ngán”, nhưng chắc chắn sẽ khi ngồi lại suy tính thiệt hơn, sẽ khiến người khác “thèm”.
Tóm lại, giải pháp ưu việt nhất để tiết kiệm chi phí đầu vào của mô hình nuôi tôm trong nhà kính chính là cách chọn màng nhà kính theo 3 quy tắc: Chất lượng- Giá phải chăng- Cửa hàng uy tín và nhất là áp dụng công nghệ cao vào ao nuôi.
Nguồn: Tepbac.com