Bài báo cáo với mục đích xác định hoạt tính kháng khuẩn của ba chất chiết xuất thảo dược: ổi, cây chó đẻ và rau mui (cúc biển) chống lại vi khuẩn Vibrio spp. phân lập từ tôm nhiễm hội chứng phân trắng tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Chiết xuất thảo dược được sử dụng trong thủy sản
Tôm thẻ chân trắng là loại tôm được nuôi rộng rãi ở Việt Nam và một số nước Nam Á như một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Nhưng tôm càng nuôi thâm canh thì dịch bệnh càng nhiều. Để nâng cao sản lượng, người nuôi cố gắng tăng mật độ; điều này dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Bệnh trên động vật thủy sản có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút và nấm gây ra. Hội chứng phân trắng đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành nuôi tôm ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và cả Việt Nam. Hội chứng được phát hiện có liên quan đến các mầm bệnh cơ hội Vibrio spp kết hợp với các tác nhân gây bệnh chưa biết khác.
Ban đầu, thuốc kháng sinh được sử dụng để kiểm soát một số bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên nó làm tăng nguy cơ tồn dư kháng sinh trong mô tôm và các sản phẩm làm từ tôm. Do đó, người ta tìm kiếm và đưa vào sử dụng các chất thay thế kháng sinh. Trong đó, các chiết xuất từ thảo dược dần được ưu tiên như một biện pháp phòng ngừa, thay thế tốt cho các chất kháng sinh do tính sẵn trong tự nhiên của nó.
Chuẩn bị mẫu thí nghiệm
Mẫu tôm được phân lập từ nhiều ao nhiễm phân trắng ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau được chuyển đến phòng thí nghiệm. Ba loại thảo dược ổi, cây chó đẻ và cúc biển được thu thập đã được làm sạch, sau đó được cắt thành mảnh và nghiền thành bột mịn bằng máy xay. Các mẫu bột đã được đánh dấu lại để phân biệt.
Kết quả kiểm tra mẫu thử
Dấu hiệu lâm sàng của các mẫu tôm bao gồm: ruột rỗng và đứt khúc, gan tụy nhợt nhạt, tôm chậm phát triển, giảm ăn, một số ao đã xuất hiện phân trắng bám vào vó (nhá).
Các nhóm vi khuẩn được phân lập trong thí nghiệm
Hiện tại, các tác nhân của hội chứng phân trắng ở tôm vẫn chưa được biết rõ. Hội chứng này có liên quan đến vi bào tử trùng EHP (Enterocytozoon hepatopenaei). Tuy nhiên, không xuất hiện phân trắng trong thí nghiệm tôm nhiễm EHP. Vi khuẩn Vibrio tăng lên trong gan tụy và ruột tôm có thể cũng liên quan đến hội chứng phân trắng này.
Năm nhóm vi khuẩn ưu thế đã được xác định là V. parahaemolyticus (A1), V. harveyi (A2), V. vulnificus (A4), V. cholerae (B1) và V. alginolyticus (B2). Một nghiên cứu khác ở Thái Lan cũng cho thấy một lượng lớn vi khuẩn Vibrio trên các mẫu tôm bị phân trắng, bao gồm V. vulnificus, V. fluvialis, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. damselae, V. minicus và V. cholerae với các tỷ lệ khác nhau, cao hơn gấp hai lần so với những con tôm khỏe mạnh.
Nhìn chung, dựa trên tỷ lệ nhóm vi khuẩn phân lập được, V. alginolyticus với tỷ lệ cao nhất (50%); V. cholerae (17,7%); V. vulnificus (10,8%), V. harveyi (6,9%), V. parahaemolyticus (5,8%) được chọn để thử nghiệm hoạt động kháng khuẩn của các chiết xuất thảo dược.
Sự kháng khuẩn của các chiết xuất thảo dược
Kết quả chỉ ra rằng ba chất chiết xuất từ thảo dược đều thể hiện các hoạt tính kháng khuẩn khác nhau đối với các chủng vi khuẩn được phân lập. Đáng chú ý, trong số ba chất chiết xuất từ ổi, cây chó đẻ và cúc biển, chiết xuất cây chó đẻ cho thấy hoạt tính kháng khuẩn cao nhất, với vùng ức chế tăng trưởng dao động từ 12,7 đến 24,85 mm.
Ngoài ra, dịch chiết từ lá đước có tác dụng rất tốt chống lại V. parahaemolyticus. Vi tảo Dunaliella salina và Tetraselmis được sử dụng làm tác nhân kiểm soát sinh học trong 21 ngày, cho thấy sự giảm số lượng vi khuẩn Vibrio đáng kể. Hơn nữa, bổ sung lysozome từ lòng trắng trứng gà với liều lượng 0,125 g/kg vào thức ăn cũng đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả. Không chỉ để hạn chế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản mà còn kích thích khả năng chống lại nhiễm khuẩn Vibrio cũng như hội chứng phân trắng cho tôm.
Nồng độ tối ưu của các chiết xuất thảo dược
Nồng độ sử dụng chiết xuất từ cây chó đẻ với hoạt tính kháng khuẩn cao chống lại V. parahaemolyticus gây ra AHPND (tôm chết sớm) trên tôm thẻ ở cả hai loại cây tươi (250 mg/mL) và cây khô (125 mg/mL). Chiết xuất lá ổi đã được chứng minh rằng có sức đề kháng đối với 21 chủng vi khuẩn. Ngoài ra, 11 loại thảo dược khác đã cho thấy hoạt tính kháng khuẩn cao.
Các chiết xuất thảo dược trên có sẵn lại rẻ tiền, hoàn toàn có thể thay thế kháng sinh chống lại vi khuẩn gây hại trên tôm. Về nồng độ sử dụng các chiết xuất trên cần được nghiên cứu thêm để các chiết xuất nhanh chóng được ứng dụng vào thực tế.
Reference: Truong Minh Ut , Dao Thi Tu Uyen, Tu Thanh Dung (2021). Antimicrobial activity of herbal extracts against Vibrio spp. bacteria isolated from white feces syndrome on white leg shrimp (Litopenaeus vannamei) in some provinces in the Mekong delta. Can Tho University Journal of Science, Vol. 13, No. 2 (2021): 61-68.
Nguồn: Tép bac