Tập tính ăn của tôm thẻ chân trắng
Tập tính ăn tôm sú và tôm thẻ cũng có sự khác nhau. Tôm thẻ thường có nhu cầu đạm (protein) trong thức ăn thấp hơn tôm sú, tôm thẻ rất háo ăn có thể ăn liên tục trong ngày.
Vì thế, việc cho tôm ăn cần phải cân nhắc dựa trên đặc điểm của từng loại tôm: Nhu cầu đạm, tập tính bắt mồi, vận động liên tục, đường ruột ngắn, hệ thống miễn dịch, hoạt động lột xác,…
Khi thả thức ăn vào ao cách đàn tôm khoảng gần 11 mét, tôm thẻ cảm nhận ngay sự có mặt của thức ăn và lập tức đổi hướng tiến đến nguồn thức ăn. Nếu thả thức ăn ngay gần đàn tôm, cả đàn sẽ kéo đến rất nhanh khiến một lượng thức ăn có thể bị vùi xuống đáy ao do tôm tranh nhau ăn mồi.
Dùng nhá để quản lý lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng hiệu quả. Ảnh: uv-vietnam.com.vn
Tôm thẻ chân trắng có đặc tính cơ hội, chúng chỉ xâu xé phần thức ăn ở lớp nước trên mà không để ý để phần thức ăn bị vỡ chìm xuống bên dưới. Một điều khá thú vị là tôm thẻ khi bắt được một viên thức ăn chúng sẽ bỏ phần còn lại và tiếp tục đi theo đàn, nhai viên thức ăn đó một ít sau đó lại thả ra.
Khi thấy viên thức ăn lớn hơn chúng ngay lập tức nhả viên thức ăn nhỏ ra và chiếm lấy lượng thức ăn lớn hơn. Dường như không muốn bị bỏ lại khỏi đàn cũng như những vùng khác cũng đang có thức ăn.
Những con tôm thẻ nhỏ hơn sẽ phải ăn những mảnh vụ, viên thức ăn sót lại của những con tôm lớn hơn. Nếu đàn tôm ít con, lượng thức ăn bị vùi lấp sẽ được moi lên.
Vậy có nên cho tôm ăn vào ban đêm hay không?
Tập tính ăn của tôm thẻ chân trắng là bắt mồi liên tục trong ngày. Người nuôi thường cho tôm ăn từ 4 – 5 lần/ngày. Nếu hệ thống quạt nước, sục khí của ao nuôi không đảm bảo lượng oxy thì không nên cho tôm ăn vào ban đêm.
Vào ban đêm, đàn tôm bung ra khắp đáy ao và bắt đầu đào bới tìm thức ăn. Lúc này, chúng ăn thức ăn tự nhiên trong ao và không thích thức ăn viên nhiều. Khoảng 2 giờ trước khi mặt trời mọc, tập tính ăn của tôm bắt đầu thay đổi, chúng chuyển sang ăn thức ăn viên.
Nhưng ở giống tôm khác như tôm sú thì hoạt động này lại diễn ra mạnh mẽ suốt cả ngày. Vì vậy khi nuôi tôm sú, người nuôi thường cho tôm ăn thêm các cử vào ban đêm để đảm bảo dinh dưỡng cung cấp đủ cho tôm phát triển đạt sản lượng.
Tôm thẻ chân trắng cảm nhận mồi rất nhạy. Ảnh: Tép Bạc
Việc cho tôm ăn đêm khi không cần thiết sẽ có thể gây ra một số vấn đề dưới đây:
– Cho tôm ăn vào ban đêm có thể gây ra tích tụ chất thải hữu cơ trong ao nuôi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nước.
– Tôm là loài hoạt động chủ yếu vào ban ngày và thường ít hoạt động vào ban đêm. Do đó, việc cho tôm ăn vào ban đêm có thể dẫn đến lãng phí thức ăn và không hiệu quả.
– Ánh mặt trời giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Cho tôm ăn vào ban đêm có thể làm giảm hiệu quả tiêu hóa và tăng nguy cơ bệnh tật.
Nhìn chung, cho tôm ăn ban đêm hay không còn tùy thuộc vào loài tôm nuôi và tùy vào kỹ thuật nuôi của người đứng ao. Qua một vài khảo sát, đa số người nuôi tôm thẻ thường không cho ăn vào ban đêm, cử cuối cùng sẽ trước 21h mỗi ngày. Tuy nhiên vẫn có một số người nuôi cho ăn vào ban đêm để có thể bổ sung tối đa dinh dưỡng cho tôm.
Vì vậy, bà con cần nên cân nhắc sắp xếp các cử cho ăn hợp lý để tránh lãng phí thức ăn, gây tốn thêm chi phí và gây hại cho môi trường nước ao.