Gần một tuần nay, ông Trương Văn Tới (ngụ TP Cam Ranh, Khánh Hòa) liên tiếp xuất gần 1,5 tấn tôm hùm cho thương lái. Niềm vui không thể giấu nổi trên gương mặt đen sạm của lão nông gần 30 năm bám biển. “Vậy là thoát cảnh tôm nuôi mãi không ai mua, giá thấp bán thì lỗ. Nay tôm lên giá, tiểu thương cũng gom hàng nhiều hơn”, ông Tới vui vẻ nói.
Giá tôm hùm tăng mạnh
Theo ông Tới, đại dịch ập đến khiến không chỉ ông mà hàng trăm hộ nuôi tôm ở Cam Ranh lao đao. “Khi dịch căng thẳng, cách ly xã hội khiến giá tôm xuống rất thấp mà không ai mua. Khi đó chúng tôi chỉ còn cách cầm cự, tách lồng đối với loại tôm lớn để không bị chết. Nhiều người phải vay ngân hàng, ngoài xã hội để có tiền mua thức ăn duy trì lồng nuôi”, ông Tới nói.
Thương lái tăng thu mua tôm hùm sau dịch. Ảnh: M.H.
Thời điểm tháng 9, 10, giá tôm hùm xanh xuống chỉ còn 350.000-450.000 đồng/kg. Loại một cũng chỉ có giá 500.000 đồng/kg. Đối với tôm bông giá cũng xuống dưới 1 triệu/kg khiến người nuôi bán thì lỗ, mà nuôi thêm sẽ tăng kinh phí rất nhiều.
“Nuôi tôm một năm xuống nhiều vụ khác nhau, nhưng vẫn tập trung chủ yếu dịp hè và Tết cuối năm. Lúc này thị trường xuất khẩu cần hàng và khách du lịch cũng đến nhiều. Hai năm nay tôm không bán được, giá bấp bênh khiến nhiều người kiệt quệ”, bà Phan Thị Lành – hộ nuôi tôm – cho biết.
Hiện, thương lái đã thu mua khiến giá tôm tăng mạnh. Theo các hộ nuôi, tôm hùm xanh đang có giá từ 850.000-1,1 triệu đồng/kg, còn tôm bông có giá 1,9-2,3 triệu đồng/kg. “Bán được tôm chúng tôi rất mừng, giá lại cao nữa. Sau gần 2 năm người nuôi tôm như chúng tôi mới có lại niềm vui. 60 lồng tôm của tôi bán với giá hiện tại sẽ trả hết nợ, Tết nay có đồng ra, đồng vào rồi”, ông Trương Văn Tới vui vẻ cho biết. Theo các thương lái, giá tôm lên do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh khi giãn cách xã hội ở các địa phương đã gỡ bỏ, nhất là thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm cũng bắt đầu phục hồi và bắt đầu nhập hàng trở lại.
“Dịp cuối năm, nhất là gần Tết thị trường Trung Quốc, Đài Loan rất cần hàng tôm hùm. Hiện giá tôm đang lên cao, người dân bán ồ ạt nên việc thu mua thuận lợi”, một tiểu thương cho biết. Tuy nhiên, theo các thương lái hàng tôm có sẵn nhưng gặp trở ngại khi làm thủ tục xuất khẩu vì phía Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh.
Ông Thành, Giám đốc Công ty TNHH T.V, cho biết doanh nghiệp đang bị ách 3 container tôm hùm và tôm thẻ chân trắng ở cửa khẩu vì yêu cầu an toàn dịch bệnh của phía Trung Quốc. Theo ông Thành, do phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu “Zero Covid” nên các tài xế Việt Nam không được trực tiếp chở hàng qua biên giới.
Theo quy định, container chở hàng sau khi đã vào được khu vực cửa khẩu sẽ phải dừng ở bãi chờ. Sau đó các lái xe được cách ly tập trung, lúc này nhân viên cửa khẩu sẽ bố trí các tài xế lái chuyên trách nối chuyến qua cửa khẩu.
“Khi đến địa phận Trung Quốc, phía họ sẽ bố trí tài xế nhận xe hàng, chuyển đến địa điểm bốc dỡ trước khi chuyển xe trả lại nên rất mất thời gian. Tuy nhiên, không phải xe hàng nào tới cũng được thông qua cho qua, vì phía Trung Quốc hạn chế số lượng mỗi ngày nên container bị ách tắc. Nói thật, cái này làm khó doanh nghiệp vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với hàng thủy sản có giá trị như tôm hùm”, ông Thành cho biết.
Nuôi tôm tự phát tiềm ẩn rủi ro
Theo UBND TP Cam Ranh, sau trận mưa lớn vừa qua số lượng tôm bị chết do sốc nước ngọt khá nhiều. “Mưa nhiều khiến nước trên các con sông đổ về biển, khi nước biển bị ngọt hóa tôm sẽ sốc mà chết. Tôm chết khiến người nuôi thiệt đơn, thiệt kép vì bán với giá rất thấp”, một cán bộ UBND TP Cam Ranh nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết hiện nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn không tuân thủ vùng quy hoạch nuôi, khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh, trên địa bàn có tình trạng nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.
Nhiều địa phương đang gặp khó khăn khi quản lý các hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch. Ảnh: An Bình.
Tuy nhiên, theo ông Minh, việc xử lý những trường hợp này rất khó vì nếu để người dân tự di chuyển thì họ lại chọn khu vực khác thuận lợi. “Địa phương cũng không thể chỉ nơi nuôi trồng hợp lý cho dân di chuyển vì quy hoạch khu vực được phép nuôi đã hết hiệu lực và đủ mật độ rồi”, ông Minh phân tích. Theo UBND huyện Vạn Ninh, hiện quy hoạch vùng nuôi thủy sản cũ đã hết hiệu lực, tỉnh cũng chưa có quy hoạch mới nên gặp khó khăn trong quản lý.
“Nếu hộ nuôi trồng thủy sản được quản lý đúng quy hoạch sẽ rất thuận lợi trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, xác minh kê khai thủy sản, thực hiện các chính sách hỗ trợ… Hiện, quy hoạch mới chưa có nên khi thiên tai, mưa bão người nông dân sẽ gặp thiệt thòi vì không được hưởng các chính sách hỗ trợ khi thiên tai xảy ra”, lãnh đạo huyện Vạn Ninh cho biết.
Ngoài ra, việc nuôi tôm không đúng quy hoạch khi đối tác xuất khẩu muốn truy xuất nguồn gốc, chất lượng không được, hàng bị trả hoặc bị ép giá. Lúc này thiệt thòi sẽ thuộc về người nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, không riêng huyện Vạn Ninh mà tất cả những địa phương khác đều đang gặp khó khăn trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản vì không có quy hoạch chung. Còn đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết địa phương đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nên các quy hoạch khác chưa thể thực hiện được thời gian này.
Nguồn: Tepbac.com