Mùa lạnh: Mối nguy về bệnh đốm trắng trên tôm

13.3

Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh vô cùng nguy hiểm đối với nghề nuôi tôm, bệnh thường xảy ra nhiều ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tỷ lệ gây chết tôm có thể từ 90 – 100% chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh, đồng nghĩa với tình trạng tôm chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế cho bà con nuôi tôm.

Tôm thẻ chân trắng
Quan sát vỏ tôm có nhiều đốm trắng ở giáp đầu ngực, đốt bụng thứ 5, 6 và lan toàn thân. Đôi khi tôm cũng có dấu hiệu đỏ thân. Ảnh: ST

Tổng quan về bệnh đốm trắng ở tôm

Bệnh đốm trắng trên tôm (WSS – White Spot Syndrome) xuất phát từ một loại virus gây hội chứng đốm trắng, virus có độc lực rất mạnh, tấn công nhiều mô tế bào khác nhau, thường trên tế bào biểu mô da. WSSV gây chết trên mọi giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến tôm giống và tôm trưởng thành.

Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài thông qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Khi lượng chất thải nuôi tôm nhiều, môi trường nuôi bị ô nhiễm hay thời tiết thay đổi, tôm bị yếu sẽ tạo điều kiện cho các loại virus bùng phát gây dịch bệnh cho tôm. Bệnh thường phát triển khi giao mùa.

Tôm bị bệnh đốm trắng do virus thường biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như tôm có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 – 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.

Tôm bị đốm trắng

Quan sát vỏ tôm có nhiều đốm trắng. Ảnh: ST

Bất lợi khi nuôi tôm mùa lạnh

Tôm là động vật biến nhiệt, hoạt động trao đổi chất phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nước ao. Khi vào mùa lạnh, nhiệt độ ao nuôi sẽ xuống thấp, đặc biệt xuống nhanh khi sử dụng sục khí, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của tôm. Thông thường sức ăn của tôm sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ nước giảm xuống 10℃. Mưa và thời tiết lạnh có thể làm giảm nhiệt độ nước ao 3 – 5℃, vì vậy sức ăn của tôm có thể giảm ít nhất 30% so với thông thường.

Khi nhiệt độ xuống dưới 20℃, tôm ngừng sinh trưởng, giảm ăn và tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2 g/con/ngày (thấp hơn so với mùa nắng là 0,3 g/con/ngày), kéo dài thời gian nuôi thêm khoảng 1,5 lần. Cường độ bắt mồi và chuyển hóa thức ăn kém, kết hợp với sự thay đổi độ mặn, pH và độ kiềm, khiến tôm dễ chết trong quá trình lột xác. Nhiệt độ thấp cũng gây khó khăn cho việc xi phông và vệ sinh đáy ao. Khi trời nắng ấm trở lại, chất thải, thức ăn dư thừa và vỏ tôm tích tụ phân hủy nhanh, sinh ra khí độc ảnh hưởng xấu đến tôm. Những yếu tố này khiến tôm giảm ăn đáng kể trong giai đoạn này.

Mùa lạnh trời âm u, tảo không phát triển, gây thiếu ôxy về đêm. Tôm dễ bị rớt cục thịt, khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài, tôm có xu hướng xuống đáy để tránh rét (đặc biệt giữa ao), tôm sẽ tiếp xúc khí độc, mầm bệnh tích tụ ở đáy ao.

Tại sao mùa lạnh lại là thời điểm tôm dễ bệnh đốm trắng?

Nhiệt độ thấp làm suy giảm hệ miễn dịch của tôm, do tôm là loài động vật biến nhiệt, nhiệt độ nước ao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất và hoạt động của hệ miễn dịch. Trong điều kiện nhiệt độ thấp (dưới 26ºC), khả năng đề kháng tự nhiên của tôm giảm đáng kể, khiến tôm dễ bị nhiễm các loại virus, trong đó có WSSV.

Bên cạnh đó, virus WSSV hoạt động mạnh hơn ở nhiệt độ thấp, chúng thường bùng phát mạnh khi nhiệt độ dao động từ 18 – 25ºC, là khoảng nhiệt độ thường gặp vào mùa lạnh. Ở nhiệt độ này, tốc độ nhân bản của virus tăng lên, dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh cao.

Đốm trắng

Mùa lạnh làm giảm sức đề kháng của tôm và tạo điều kiện thuận lợi cho virus WSSV hoạt động mạnh, khiến tôm dễ nhiễm bệnh. Ảnh: ST

Sự thay đổi nhiệt độ và môi trường đột ngột. Vào mùa lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, gây sốc nhiệt cho tôm. Sốc nhiệt khiến tôm bị stress, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus tấn công. Đặc biệt, sự thay đổi đột ngột của các yếu tố như pH, độ mặn và ôxy hòa tan trong nước cũng làm tôm dễ nhiễm bệnh.

Hệ vi sinh vật ao nuôi không ổn định. Nhiệt độ thấp làm giảm số lượng và hoạt động của các vi sinh vật có lợi, gây mất cân bằng sinh thái trong ao nuôi. Điều này khiến các vi khuẩn và virus có hại dễ dàng phát triển mạnh, bao gồm WSSV.

Thêm nữa, chất lượng nước kém do quản lý ao nuôi không hiệu quả cũng là nguyên nhân gây bùng phát bệnh. Mùa lạnh thường kèm theo mưa hoặc nước ít lưu thông, khiến chất lượng nước ao nuôi xấu đi, tích tụ chất hữu cơ, khí độc (H2S, NH3). Môi trường nước ô nhiễm làm tăng mật độ mầm bệnh và gây căng thẳng cho tôm, khiến chúng dễ nhiễm WSSV.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Ngay
chat-active-icon