Nuôi tôm ao đất gặp 3 vấn đề: Thiếu hụt nguồn nước vì cấp nước và siphon thay xả nước khó khăn; Tích tụ xác, vỏ, phân tôm và thức ăn dư thừa nên khó quản lý chất lượng nước; Dễ phát sinh dịch bệnh. Để giải quyết đã xuất hiện mô hình 3 tốt cho kết quả khả quan, đó là nuôi mật độ thấp, chú trọng phòng bệnh và tuần hoàn nước.

Một số điển hình đạt hiệu quả cao
Ông Nguyễn Văn Sang ở tỉnh Bạc Liêu có diện tích 3.000 m2, thả 150.000 con giống (post), sau 75 ngày nuôi, tỷ lệ tôm sống 85%, thu hoạch ngày 10/12/2024 được 2.550 kg, size 50 con/kg. Bán giá 158.000 đồng/kg, thu được 402.900.000 đồng. Nuôi tốn 2.760 kg thức ăn, hệ số FCR 1,08; tính ra lợi nhuận 206.280.000 đồng.
Cũng ở tỉnh Bạc Liêu, ông Trần Văn Chiến với diện tích 4000 m2, sau 90 ngày nuôi, tỷ lệ tôm sống 84%, thu hoạch 5.712 kg, size 29,5 con/kg. Với hệ số FCR 1,08; tổng thu 1.296.624.000 đồng, lợi nhuận 798.556.000 đồng.
Ông Lê Văn Thảo ở tỉnh Sóc Trăng với diện tích 3.000 m2, sau 95 ngày nuôi, tỷ lệ tôm sống 77%, thu hoạch 3.700 kg, size 31,5 con/kg. Với hệ số FCR 1,1; tổng thu 745.800.000 đồng, lợi nhuận 477.000.000 đồng.
Đầu năm 2025, ông Trần Anh Dư ở tỉnh Trà Vinh với diện tích 3.000 m2, sau 81 ngày nuôi, tỷ lệ sống 82%, thu hoạch 2.580 kg, size 48 con/kg. Với hệ số FCR 1,2; tổng thu 405.060.000 đồng, lợi nhuận 209.510.000 đồng.
Cũng đầu năm 2025, ông Huỳnh Hoàng Mến ở tỉnh Bến Tre với 3.000 m2, sau 89 ngày nuôi, tỷ lệ sống 70%, thu hoạch 2.490 kg, size 35 con/kg. Với hệ số FCR 1,12; tổng thu 390.930.000 đồng, lãi 205.562.500 đồng.
Những người nuôi tôm ao đất với mô hình 3 tốt đánh giá: Chi phí thấp, dễ áp dụng; có lá chắn diệt khuẩn bảo vệ tối ưu; tôm tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thành công cao.
Mô hình 3 tốt với 9 tuyến phòng thủ
Mô hình 3 tốt gồm: Giảm mật độ nuôi, phòng bệnh và tuần hoàn nước.
Giảm mật độ nuôi thấp xuống so với mật độ cao để hạn chế dịch bệnh bùng phát và tăng tốc độ lớn. Như ông Nguyễn Văn Sang ở Bạc Liêu giới thiệu ở đầu bài, diện tích 3.000 m2, thả 150.000 con giống (Post) là trung bình 50 con giống/m2. Sau 75 ngày nuôi, tỷ lệ tôm sống 85% nên chỉ còn trung bình 42,5 con/m2. Thu hoạch được 2.550 kg, size 50 con/kg, tức là trung bình thu hoạch được 0,85 kg/m2. Những người còn lại, thả giống bình quân 41-50 con/m2 và thu hoạch trên dưới 1 kg/m2.
Phòng bệnh gồm quy trình xử lý nước và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Trong đó, quy trình diệt khuẩn nguồn nước hoàn chỉnh gồm vôi bột liều 150-300 ppm, thuốc tím liều 7-9 ppm, chlorine liều 30-40 ppm. Các sản phẩm vi sinh và sản phẩm hỗ trợ nuôi trồng thủy sản: Tạt vi sinh liều cao; trộn vi sinh cho ăn chống lại dịch bệnh; sử dụng các sản phẩm bổ gan, hỗ trợ đường ruột; sử dụng các sản phẩm này nuôi đến 30 con/kg.
Tuần hoàn nước: Trang bị hệ thống tuần hoàn nước để hỗ trợ loại bỏ chất thải hiệu quả. Các hộ nuôi tôm đã sử dụng máy thổi khí trong hệ thống tuần hoàn nước, gồm ống hút chất thải, thùng quan sát, thùng thu hồi nước thể tích 1,5 m3 và các ống sục khí. Hệ thống hoạt động như sau: Xác, vỏ, phân tôm và thức ăn dư thừa dồn vào hố siphon giữa ao và nước từ đây được đưa lên thùng quan sát, chuyển đến thùng thu hồi, sau đó lắng trong chuyển lại ao nuôi. Hệ thống thùng này mỗi ngày vệ sinh 1 lần; khi vệ sinh sẽ tắt máy thổi khí, xả nước, lau thùng sạch sẽ, mất khoảng 10 phút với lượng nước ao hụt là 1,3 m3.
Có thể thống kê mô hình 3 tốt thiết lập được 9 tuyến phòng thủ bảo vệ tôm.
1/ Hệ thống lọc sạch tạp chất ngừa dịch bệnh;
2/ Xử lý nước bằng clo và thuốc tím đảm bảo chất lượng nước đầu vào;
3/ Thiết bị hút xác tôm loại bỏ F0 và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
4/ Quy trình ít thay nước giảm chi phí và hạn chế vi khuẩn vibrio tăng trưởng;
5/ Xử lý nước bằng vi sinh ổn định môi trường nước tốt nhất;
6/ Bổ sung thành phần thảo dược ức chế vi khuẩn vibrio.
7/ Vi sinh ức chế vi khuẩn vibrio và giúp tôm tiêu hoá khoẻ;
8/ Bổ sung khoáng giúp tôm linh hoạt và vỏ sáng bóng;
9/ Sản phẩm bổ gan tăng cường chức năng gan tụy và sức đề kháng cho tôm.
Phòng và sống chung với bệnh EHP
Giúp tôm phòng bệnh có thể đơn cử với bệnh EHP còn gọi là bệnh vi bào tử trùng, gây tổn thương các ống trong tuyến gan tụy, làm cho các tế bào bong ra, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá của tôm. Bệnh EHP đang chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Mô hình 3 tốt đưa ra giải pháp phòng và sống chung với EHP để ít thiệt hại.
Trước khi thả nuôi, kiểm tra mầm bệnh EHP trong con giống; Xử lý ao, dụng cụ nuôi bằng cách ngâm đáy ao, dụng cụ trong 24 giờ với NaOH, sao cho pH lên trên 10. Tiếp đó, dùng chlorine liều 100 ppm hoặc thuốc tím liều 15 ppm diệt khuẩn ao nuôi.
Xử lý nguồn nước đầu vào: Trong ao lắng, đánh vôi nóng CaO liều 150-200kg cho 1000 m2, nâng độ pH > 9 để bào tử của EHP nở ra, sau 1-2 ngày cấp vào ao xử lý (ao bạt 100 %). Tại ao xử lý, đánh thuốc tím và chlorine để xử lý triệt để mầm bệnh EHP.
Quản lý các thông số môi trường ao nuôi theo tiêu chuẩn, chú trọng quản lý pH ở mức 7,6-7,8 để hạn chế bào tử EHP (nếu có) nảy mầm. Sử dụng thức ăn chuyên dùng cho giai đoạn gièo như TopOne hoặc Aqua100 cho giai đoạn dưới 30 ngày để tăng cường sức khỏe hệ thống gan tụy và đường ruột tôm. Sử dụng định kỳ sản phẩm có nguyên liệu từ thảo dược để phòng ngừa bệnh EHP và phân trắng trên tôm, giúp tôm khỏe mạnh. Chú trọng các sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho tôm, hoàn thiện chức năng gan, giúp hạ pH đường ruột, ức chế bào tử EHP nảy mầm.
Quá trình nuôi, định kỳ 10 – 15 ngày một lần test mầm bệnh EHP trong tôm và mẫu nước ao để có hướng xử lý kịp thời. Khi phát hiện tôm bị nhiễm bệnh EHP: Sử dụng thức ăn tăng trọng; nếu đường ruột tôm vẫn ổn định thì tăng liều sản phẩm thúc tôm nhanh lớn, hạ pH đường ruột, hạn chế bào tử nảy mầm. San thưa khi sức tải đạt 2,2 kg tôm/m3.
Định kỳ 5 ngày một lần kiểm tra tôm để tính tốc độ tăng trưởng, dựa vào tình hình giá tôm để quyết định thu hoạch hay tiếp tục nuôi. Nếu tôm dưới 30 ngày hay size trên 500 con/kg mà bị nhiễm EHP nặng thì nên xả bỏ, chuẩn bị nuôi vụ khác.