Phòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ
Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: blogspot.com

Ông Lê Minh Chính, người nuôi tôm có thâm niên ở tỉnh Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm thẻ chân trắng.

EHP viết tắt từ (Enterocytozoon hepatopenaei) là dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm thẻ chân trắng. Bệnh này do ký sinh trùng gây ra khiến tôm chậm lớn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

EHP xuất hiện nhiều nước có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…Tại Việt Nam, bệnh vi bào tử trùng (EHP) xuất hiện từ năm 2015.

Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết mọi năm bệnh vi bào tử trùng (EHP) xuất hiện trên tôm nuôi rất ít. Tuy nhiên bước sang năm 2022 do thời tiết phức tạp, môi trường không thuận lợi, bệnh EHP xuất hiện trên diện rộng gây khó khăn cho ngành nuôi tôm ở khu vực miền Trung.

“Qua nắm bắt các anh em nuôi tôm từ phía Bắc cho đến tỉnh Bình Thuận đều xảy ra rất nhiều. Ngay cả các trang trại nuôi lớn và cả bản thân khu nuôi của gia đình thả 2 vụ đều dính EHP”, ông Lê Minh Chính nói và chia sẻ.

Ao nuôi tômAo nuôi được ngâm vôi trong thủy sản kết hợp với xút. Ảnh: nongnghiep.vn

Với thâm niên 35 năm trong nghề nuôi tôm nước lợ, cũng là người tiên phong triển khai thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi biofloc từ năm 2014, ông Chính cho rằng, đối với bệnh này nếu người nuôi không giải quyết triệt để ban đầu thì khó nuôi tôm trở lại thuận lợi.

Bởi lẽ ký sinh trùng vẫn tồn tại trong ao, thiết bị, vì vậy khi thả giống xuống sau khoảng 1 tháng, tôm nuôi chắc chắn sẽ bị nhiễm EHP. Và khi tôm nuôi nhiễm vi bào tử trùng (EHP) sẽ gây chết rải rác và khó nuôi được về size dưới 100 con/kg.

Về dấu hiệu nhận biết bệnh EHP trên tôm thường xuất hiện sau 1 tháng thả nuôi với hiện tượng phân trắng, nhưng chỉ nổi lưa thưa vài hột. Tôm bắt đầu có xu hướng giảm ăn, đổi nhiều màu sắc và bơi dọc bờ, chứ không nằm sâu dưới đáy như ao nuôi tôm bình thường.

Kinh nghiệm giải quyết EHP trong nuôi tôm hiệu quả nhiều năm qua của ông Lê Minh Chính đó là không nên kéo dài thời gian nuôi vì càng nuôi sẽ không có lãi. Trường hợp tôm bị nhiễm nhẹ người nuôi có thể nuôi đạt kích cỡ xuất bán rồi thu hoạch. Tuy nhiên đối với ao nuôi bị nhiễm nặng phải nhanh chóng thu hoạch, đồng thời xử lý ao nuôi triệt để trước khi tiến hành thả nuôi trở lại.

Mô hình nuôi tômMô hình nuôi tôm của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú. Ảnh: nongnghiep.vn

Tuy nhiên bệnh EHP trên tôm không thể diệt bởi chlorine, thuốc tím, formol một cách đơn giản được. Cách ông Chính thường dùng là vôi trong thủy sản Ca(OH)2 kết hợp với xút (Natri hydroxit) để nâng độ pH trên 10. Thông thường, ông hay dùng 1m3 nước khoảng 3kg xút kết hợp với vôi pha ra để tưới tất cả mọi thứ trong ao nuôi tôm, kể cả các thiết bị. Dưới đáy ao cũng mở hố xi phong để nước xút và vôi thấm xuống hết đáy ao để giải quyết toàn bộ.

Sau đó cho ngâm nước xút và vôi này trong ao nuôi từ 3-4 ngày, đồng thời tưới tiếp một lần nữa các thiết bị, bờ ao trước khi chuyển nước này sang ao khác. Tuy nhiên, lưu ý việc chuyển nước xút và vôi từ ao này sang ao khác xử lý, độ pH cũng phải kiểm tra trên 10.

Đối với ao đã chuyển nước xút và vôi sang ao khác, ông Chính tiến hành sốc ngược lại độ pH trong ao nuôi về dưới 5 bằng cách dùng axit HCl kết hợp chlorine, để rửa thật kỹ các thiết bị liên quan đến quá trình nuôi, rồi mới tiến hành vào vụ nuôi mới.

Tôm nuôiTôm nuôi của gia đình ông Chính sau 62 ngày đạt 65 con/kg. Ảnh: nongnghiep.vn

Thông thường, ông Chính dùng 0,5 lít axit nồng độ 32% với 5kg chlorine cho 1 khối nước và dùng vào buổi chiều mát. Lưu ý việc dùng axit nên thận trọng, người nuôi nên đeo thiết bị bảo vệ hay khẩu trang.

Về nguồn nước cấp vụ nuôi mới cũng phải xử lý kỹ càng hơn bên ao lắng, cụ thể trước đây nếu sử dụng liều 20ppm Chlorine giờ tăng lên 30ppm Chlorine.

Tiếp đến dùng thuốc tím khoảng 2kg cho 1000 m3 nước và dùng oxy già khoảng 2-3 lít cho 1.000m3 nước để trong lắng nước mới tiến hành bơm nước vào ao nuôi. Nếu để nguồn nước nuôi luẩn quẩn hữu cơ nhiều chắc chắn không bao giờ nuôi lại được, vẫn tái nhiễm EHP trên tôm nuôi.

Với kinh nghiệm xử lý EHP như trên của ông Chính đã giúp vụ nuôi thứ 3 của gia đình diễn ra thuận lợi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 62 ngày, tôm nuôi của ông đã đạt kích cỡ 65 con/kg, rất phấn khởi.

Nguồn: tepbac.com

Bài viết liên quan
Gọi Ngay
chat-active-icon