Trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, chi phí thức ăn chiếm 50 – 60% giá thành sản xuất và trước việc tăng giá liên tục thức ăn cho tôm dẫn đến việc một số hộ nuôi mặc dù có sản lượng nhưng hiệu quả kinh tế không cao do đó việc quản lý thức ăn để nuôi tôm phù hợp nhằm đạt hiệu quả kinh tế đòi hỏi người nuôi tôm phải nắm rõ quy trình nuôi để áp dụng một cách có hiệu quả.
Một số biện pháp quản lý tốt thức ăn cho tôm
Tập tính ăn của Tôm thẻ chân trắng là bắt mồi liên tục trong ngày. Người nuôi thường cho tôm ăn từ 4 – 5 lần/ngày. Nếu hệ thống quạt nước, sục khí của ao nuôi không đảm bảo lượng ôxy thì không nên cho tôm ăn vào ban đêm.
Ở những vùng dịch bệnh đang bùng phát, thì nên giảm lượng thức ăn cho tôm ăn so với nhu cầu hoặc bỏ bớt cữ buổi trưa khi thời tiết quá nắng nóng hoặc khi trộn trộn thuốc phòng trị bệnh tôm để tôm bắt mồi triệt để hơn. Các trại đã nuôi tôm nhiều năm, có kinh nghiệm quản lý cho ăn nên sử dụng máy cho ăn tự động từ tháng nuôi thứ 2 trở đi để tiết kiệm chi phí và cải thiện năng suất, hiệu quả.
Trong 24 ngày đầu: Cho tôm ăn theo hướng dẫn của công ty sản xuất thức ăn hoặc người tư vấn kỹ thuật có kinh nghiệm tại địa phương. Thức ăn cần được rải đều trong ao để tôm bắt mồi dễ dàng. Với các ao có màu nước tốt, thức ăn tự nhiên phát triển và nằm trong vùng nhiễm bệnh có thể không cần phải cho tôm ăn trong 10 ngày đầu. Từ ngày thứ 25 trở đi bắt đầu sử dụng nhá (hay còn gọi là sàng, vó) để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Tỷ lệ cho thức ăn vào nhá và thời gian canh nhá
Tôm 25 – 38 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 15 g/kg, thời gian canh nhá là 2 giờ. Từ ngày 39 – 45, thức ăn cho vào nhá 20 g/kg, thời gian canh nhá là 2 -1 giờ 30 phút. Tôm 46 – 55 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 25 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ 30 phút. Từ ngày 56 – 65, thức ăn cho vào nhá 30 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ 30 phút đến 1 giờ. Từ ngày 66 – 72, thức ăn cho vào nhá 35 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ. Tôm 73 – 79 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 40 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ. Từ ngày 80 đến khi thu hoạch, thức ăn cho vào nhá 45 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ.
Sau khoảng thời gian canh nhá nêu trên, kéo nhá để xem lượng thức ăn thừa và quan sát đường ruột của tôm. Nếu đường ruột tôm đầy và có màu của loại thức ăn sử dụng là tốt. Tôm rỗng ruột hoặc thức ăn trong ruột có màu sắc lạ là những dấu hiệu bất ổn, cần phải kiểm tra.
Nếu thức ăn trong nhá được tôm ăn hết và môi trường ao nuôi tốt, có thể tăng lượng thức ăn của ngày tiếp theo thêm 5%. Ngược lại, nếu thức ăn trong nhá còn thừa 5 – 10% thì cắt giảm ngay khoảng 5% lượng thức ăn ở cữ tiếp theo, nếu thức ăn trong nhá còn thừa 10 – 20% thì giảm 10% lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Nếu lượng thức ăn trong nhá còn > 25% thì ngưng 2 lần cho ăn và bắt đầu lại với lượng thức ăn ít hơn 10%.
Việc kiểm tra nhá (sàng ăn) chủ yếu để giảm lượng thức ăn đưa xuống ao khi tôm bắt mồi kém do thời tiết thay đổi, trước kỳ lột xác hoặc tôm bị bệnh. Lượng thức ăn chỉ tăng khi mọi điều kiện nuôi đều thuận lợi: Tôm có sức khỏe tốt, phần cuối của đường ruột đầy thức ăn màu nâu trong khi phần đầu và dạ dày có màu đen.
Ngoài ra, người nuôi tôm cần đặc biệt cẩn thận vào mùa nắng nóng. Khi nhiệt độ nước ao đạt mức 320C trở lên, tôm bắt mồi mạnh hơn, nhanh hơn bình thường và thải phân sớm hơn, nhiều hơn. Nếu tăng lượng thức ăn có thể gây ô nhiễm ao nuôi rất nhanh, dẫn đến tôm bị stress và hao hụt nhiều. Giảm khẩu phần ăn 20 – 30% khi tôm lột vỏ; 30 – 50% khi trời nóng bức hoặc có mưa to; 30 – 50% khi pH biến động mạnh, NH3 vượt quá 0,3 – 0,5 mg/L, khí độc H2S quá 0,005 mg/L (bùn đáy hoặc nước có mùi trứng thối). Trung bình mỗi ao 2.000 – 2.500 m2 dùng từ 1 – 2 nhá, có kích thước 80×80 cm.
Kiểm tra nhá – sàng ăn. Ảnh: thuysan247.com
Bên cạnh thức ăn bà con nuôi tôm còn bổ sung thêm (thuốc bổ, vitamin …) nhưng cần lưu ý là các chất bổ sung phải không có tính đối kháng nhau và nên được trộn vào thức ăn khoảng 60 – 90 phút trước khi cho tôm ăn. Người nuôi có thể sử dụng chuối già chín xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố để làm chất kết dính hoặc sử dụng chất kết dính chuyên dụng có bán trên thị trường để bọc thức ăn nhằm tránh thất thoát dinh dưỡng của thức ăn và các chất bổ sung. Trên đây là những biện pháp quản lý thức ăn như trên sẽ giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) trong nuôi tôm, giảm chi phí nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Nguồn: Tepbac.com