Những năm gần đây, nghề nuôi tôm của Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt trên bản đồ xuất khẩu ra toàn thế giới. Chính vì thế, hiểu rõ những cách cơ bản để nuôi tôm sao cho phù hợp, đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao luôn là bài toán quan trọng đối với nhiều hộ nuôi tôm hiện nay.
Lựa chọn vị trí nuôi tôm phù hợp
Việc tìm và chọn ra được một địa điểm thích hợp để xây dựng ao tôm là một trong những vấn đề quan trọng mà người nuôi tôm cần phải giải quyết ngay từ lúc đầu. Vì thế, việc đặt vị trí ao nuôi sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư, xây dựng và cả những rủi ro trong quá trình nuôi tôm sau này.
Nên lựa chọn những vùng nuôi ở các vùng cao triều, vùng đất thịt pha cát và đất sét để thuận lợi cho việc nuôi trồng tôm. Đặc biệt, tại địa điểm làm ao không bị nhiễm các kim loại nặng như sắt (Fe), chì (Pb), kẽm (Zn)…
Người nuôi tôm cần lựa chọn những vùng có nguồn cấp nước gần với ao nuôi và nguồn nước được cấp vào ao phải đảm bảo an toàn, không bị ô nhiễm. Có hệ thống thoát nước đầy đủ và phải có nguồn cung cấp nước mặn hoặc nếu có thêm nguồn để cung cấp nước ngọt vào ao thì càng tốt.
Nên chọn những vùng có nguồn cấp nước gần với ao nuôi và nguồn nước được cấp vào ao phải an toàn, không ô nhiễm. Có hệ thống thoát nước đầy đủ. Ảnh: VN
Cụ thể, thì nước trong ao phải đạt đủ các điều kiện chất lượng như sau:
Độ mặn: Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc có nên sử dụng nguồn nước nuôi trong vùng hay không. Độ mặn thích hợp trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú sẽ từ 5-35%.
pH: Khoảng pH tốt nhất cho ao tôm sẽ từ 7.5 đến 8.5 và yếu tố này có thể thay đổi nếu người nuôi tôm biết cách để kiểm soát nguồn nước.
Độ kiềm (KH): Đây là yếu tố giúp giữ ổn định độ pH, được đo bằng đơn vị mg/l CaCO3 . Khoảng ổn định của độ kiềm ở trong ao nuôi sẽ từ 100-150 mg/l.
Độ trong: Nước được cấp vào ao nuôi trong hay đục sẽ tùy thuộc vào độ phù sa, vi khuẩn hoặc tảo,…Khi nuôi tôm, người nuôi cần đảm bảo độ trong của nước là vừa đủ để cung cấp đủ lượng oxy hòa tan cho ao nuôi.
Độ cứng (GH): Đây chính là yếu tố cần thiết trong ao để có thể đo được các khoáng chất cần thiết khác cho ao tôm như Ca, Mg, K trong nước.
Thiết kế hệ thống ao
Hiện nay, những chủ trại tôm đang dần bắt kịp xu hướng nuôi của các nước tiên tiến trên thế giới khi đã và đang ứng dụng các thiết bị công nghệ nuôi tôm công nghệ cao vào ao nuôi của mình.
Hơn nữa, khu vực nuôi tôm cần phải đảm bảo các hạng mục ao gồm:
Ao lắng thô: Đây sẽ là nơi lấy nước từ các nguồn gần vị trí ao tôm để trữ nước và sẽ được xử lý trước khi được cấp vào ao nuôi. Diện tích của ao lắng thường chiếm khoảng 20 đến 30% diện tích của khu vực nuôi tôm, độ sâu ao lắng từ 2-3m tùy vào điều kiện đất của từng vùng và thường được đặt cạnh những nguồn cấp nước gần đó.
Ao lắng tinh (ao sẵn sàng): Nước từ ao lắng thô sẽ được lọc qua hệ thống ống lọc có gắn túi lọc sau đó sẽ chuyển vào ao lắng tinh và sẽ được dùng để chuẩn bị cấp vào ao nuôi tôm. Ao lắng tinh thường sẽ được đặt ngay kế bên ao lắng thô và sẽ được lót bạt sạch sẽ, có cùng độ sâu và diện tích tương tự như ao lắng thô.
Ao nuôi: Trước khi nước được bơm từ ao lắng tinh sang ao nuôi thì nguồn nước đó sẽ tiếp tục được lọc thêm một bước nữa bằng hệ thống ống lọc có gắn túi lọc, sau khi lọc xong thì nguồn nước sẽ đạt đủ tiêu chuẩn để có thể nuôi tôm thương phẩm. Ao nuôi tôm thường sẽ có độ sâu từ 1,5 đến 2m, sẽ được lót bạt dưới đáy ao và bờ. Diện tích của ao nuôi sẽ từ 0,5 cho đến 1ha. Hình dạng của ao nuôi có thể thay đổi từ hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông sao cho thuận tiện trong việc tạo dòng chảy trong ao. Đáy ao phải được làm phẳng , có độ dốc khoảng 15MC và nghiêng về phía cống thoát nước. Nếu như nuôi tôm ở những khu vực miền Bắc, người nuôi cần phải thiết kế thêm mái che nhằm che kín cho ao nuôi vào mùa đông, tránh việc để tôm rét và chết.
Cần đảm bảo hệ thống ao bao gồm các hạng mục quan trọng như: ao lắng thô, ao lắng tinh, các ao nuôi,… Ảnh: Tép Bạc
Ao xử lý chất thải: Mỗi ao nuôi cần phải có một ao xử lý chất thải, diện tích chỉ khoảng 5-10% diện tích khu vực nuôi và thường dùng để xử lý ao nuôi sau mỗi vụ mùa, đảm bảo nước ao sau khi thu hoạch xong sẽ được lọc sạch sẽ, không còn chứa mầm bệnh thì mới được thải ngược lại ra biển hoặc các nguồn khác.
Hệ thống quạt: Sẽ được đặt cách bờ của ao tôm từ 1,5 đến 2m, số lượng quạt sẽ tùy thuộc vào mật độ nuôi của chủ ao tôm.
Khi xây dựng khu vực nuôi tôm thì người nuôi cần phải chú ý đến việc xây dựng các hệ thống mương cấp và mương tiêu trong ao để dễ dàng cấp nước cho ao nuôi và dẫn nước ao nuôi ra ao xử lý chất thải.
Chọn giống tôm phù hợp
Chất lượng tôm giống rất quan trọng trong việc nuôi tôm, điều này sẽ ảnh hưởng rất cao đến năng suất và chất lượng của tôm thương phẩm sau vụ nuôi. Để có thể nhận biết được giống tôm có tốt hay không, người nuôi có thể tham khảo những cách sau đây:
Đánh giá tôm giống theo phương pháp cảm quan
Khi quan sát tôm giống, hãy chọn những lứa tôm giống có kích cỡ đồng đều, lượng tôm chênh lệch về kích cỡ không được quá 5%. Chiều dài thân giống tôm sú sẽ từ 12mm và 10mm đối với tôm thẻ.
Màu sắc của vỏ tôm phải tươi sáng, mỏng vỏ, thân và đầu cân đối, và đặc biệt để ý đuôi tôm nếu có xòe ra thì đó là con giống tốt.
Tôm giống phải tỏ ra linh hoạt, phân bố đồng đều trong bể nuôi và quan sát kĩ ruột tôm, nếu ruột tôm chứa đầy thức ăn chứng tỏ tôm giống có sức khỏe tốt (khả năng bắt mồi tốt).
Thả tôm giống vào thau rồi sau đó dùng tay khuấy đều. Nếu như tôm giống mạnh, chúng sẽ bơi ngược dòng hoặc bám vào xung quanh thành thau, những con giống yếu sẽ thường tụ tập lại ở giữa.
Ngoài ra, khi kiểm tra tôm, người nuôi có thể vớt tôm giống lên dụng cụ chứa tôm và búng nhẹ vào đó, nếu như đàn tôm có phản ứng ngay lập tức thì chắc chắn tôm giống khi đó có sức khỏe tốt.
Chất lượng tôm giống rất quan trọng trong quy trình nuôi tôm. Ảnh: webdungca.com
Đánh giá tôm tôm giống theo phương pháp quan sát bằng kính hiển vi
Với phương pháp này, người mua giống tôm còn có thể biết được tôm giống có bị nhiễm kí sinh trùng hay bị tổn thương, hoại tử các bộ phận bên trong và ngoài cơ thể hay không.
Nếu quan sát và thấy được các tế bào sắc tố vùng bụng của tôm xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ có dạng hình sao thì chắc chắn đó là tôm khỏe mạnh. Nhưng khi thấy được những tế bào sắc tố lan rộng làm thành những vạch nối tiếp nhau ở dưới phần bụng thì khi đó tôm giống không đạt đủ chất lượng sức khỏe.
Tôm nếu có được những đốt ở bụng càng dài và đuôi hình chữ V thì tôm sẽ khỏe mạnh và lớn nhanh.
Khi dùng kính hiển vi để soi tôm giống, nếu như không phát hiện bất kì loại nấm hay kí sinh trùng nào trên chân, bụng, đuôi, mang và vỏ tôm thì nên chọn đàn giống này, vì nếu xuất hiện những kí sinh kể trên thì chúng sẽ cản trở sự hô hấp và lột xác ở tôm, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đàn tôm sau này.
Đánh giá tôm tôm giống theo phương pháp gây sốc
Phương pháp này thường được dùng để đánh giá sức khỏe và mức độ chịu đựng của tôm giống.
- Gây sốc bằng độ mặn
Thử nghiệm trên 100-200 con giống mẫu, pha theo tỉ lệ 1:1 giữa nước mặc và nước ngọt nếu như nước trong bể ương có độ mặn trên 20‰. Nếu như độ mặn dưới 20‰ thì có thể cho mẫu tôm vào thẳng. Kiểm chứng sau 2 giờ, nếu như tỉ lệ đàn tôm giống chết dưới 5% thì đó chắc chắn là đàn tôm đạt tiêu chuẩn về sức khỏe.
- Gây sốc bằng formol
Pha dung dịch Formol có nồng độ khoảng 200ppm (2cc/10l nước) và thả vào đó khoảng 100 tôm giống. Nếu như sau 2 giờ thử nghiệm, và số lượng tôm chết không quá 5% thì đàn tôm giống trên đạt yêu cầu.
Đánh giá tôm tôm giống theo phương pháp PCR
Để có thể thực hiện được phương pháp này, người nuôi cần phải đưa mẫu đến những phòng thí nghiệm bệnh thủy sản. Phương pháp này sẽ giúp người nuôi phát hiện ra các bệnh mà tôm thường mắc phải như bệnh đốm trắng, bệnh virus đầu vàng (YHV),…
Ngoài ra, khi mua giống tôm, người nuôi cần thực hiện việc nghiên cứu kĩ cơ sở nuôi tôm giống để xem có giấy phép hành nghề hay chưa. Và nên chọn tôm giống có cùng một mẹ, tránh mua tôm giống từ nhiều tôm mẹ đẻ chung một bể vì khi đó chất lượng đàn tôm giống sẽ không được đồng đều. (còn nữa)
Nguồn : Tepbac.com