Năm nay, thời tiết thuận lợi nên người nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ven biển tỉnh Quảng Nam rất phấn khởi, vì tôm được mùa, được giá, nhiều hộ lãi hàng trăm triệu đồng.
Vụ tôm năm nay, ông Đỗ Văn Hùng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên thu hoạch hơn 7 tấn tôm thẻ chân trắng. Ông Hùng nuôi tôm đã 6 năm nay nhưng chưa bao giờ được mùa, được giá như vụ này. 1 kg tôm thẻ chân trắng bán từ 130.000 đến 140.000 đồng. Trừ chi phí, vụ này gia đình ông Hùng lãi ròng 600 triệu đồng.
Ông Hùng đầu tư 3 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 18.000 m2, mỗi năm thả nuôi 3 vụ, 3 tháng cho thu hoạch một lần. Trước đây, ông làm nghề khai thác hải sản, thu nhập bếp bênh, khi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng, kinh tế ổn định hơn.
Ông Hùng chia sẻ: “Năm nay giá cả được hơn so với mọi năm, sản lượng đạt, có thu nhập, thương lái tới tận chỗ mua, nên người dân nuôi tôm như tôi rất phấn khởi. Nhờ đó có điều kiện cho con ăn học, nhà cửa ổn định. Vụ nuôi tôm này tôi lãi khoảng 500 – 600 trăm triệu đồng trên 3 ao nuôi. Chính quyền địa phương có hỗ trợ thuốc diệt khuẩn xử lý môi trường, tập huấn lịch nuôi thả thời vụ, đảm bảo thời gian. Sắp tới tôi dự kiến đầu tư mở rộng thêm diện tích ao nuôi”.
Thả tôm giống. Ảnh: tienphong.vn
Mấy năm trước, nhiều người nuôi tôm ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thua lỗ nhưng năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật cộng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng tôm đạt cao. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết, cả xã có gần 150 hộ nuôi tôm trên diện tích 80 ha, chủ yếu thôm thẻ chân trắng. Sản lượng vụ này đạt từ 4 đến 4,5 tấn/1 ha.
Theo ông Vinh: “Nhiều hộ đã thu hoạch rất lớn có hiệu quả cao, giá trị lớn, nhân dân rất phấn khởi vui mừng. Năm nay giá tôm cơ bản được giá rất cao, tôm 100 con khoảng 135.000 đồng/kg so với các năm khách cao hơn từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Trước đây có một số hộ làm dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp sau đó có cơ chế quy hoạch, bố trí số diện tích để khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm ao đất sang lót bạt hiệu quả cao hơn, giảm được dịch bệnh”.
Để giúp người dân nuôi tôm đạt hiệu quả, các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ, chọn con giống, quản lý môi trường và dịch bệnh.
Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm vấn đề đẩy mạnh mở rộng quy hoạch các vùng nuôi tôm, nuôi trồng thuỷ sản. Từ việc nuôi tôm trên các khu vực có lợi thế trên địa bàn, việc đầu tiên chúng tôi phải quy hoạch hết lại, đẩy mạnh các chương trình nuôi tôm bền vững, gắn với công nghệ cao. Bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Địa phương đang thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích nông dân từng bước phải chủ động nuôi tôm công nghệ cao và chủ động kiểm soát được dịch bệnh, môi trường. Về lâu dài, chúng tôi gắn với nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nuôi tôm gắn với phát triển các dịch vụ du lịch để nâng cao được giá trị lợi nhuận đem lại cho người nông dân và cho các doanh nghiệp”.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 3.000 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng nuôi tôm hàng năm đạt trên 18.000 tấn. Vùng nuôi tôm tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khảo sát tình hình nuôi tôm ở vùng trọng điểm. Ảnh: VOV
Theo ông Trần Quảng Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ Thuỷ sản, Chi cục thuỷ sản tỉnh Quảng Nam, tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng, ít dịch bệnh, năng suất cao gấp nhiều lần so với tôm sú. Ông Trần Quảng Nam cũng khuyến cáo người nuôi tôm phải quản lý chặt chẽ trại tôm giống để đảm bảo chất lượng cung cấp cho hộ nuôi, đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch con giống.
“Đến nay diện tích thả tôm toàn tỉnh khoảng 1.000 ha, chính vì vậy nguồn nguyên liệu tôm nuôi khan hiếm so với mọi năm dẫn đến giá tôm tăng cao. Những hộ nuôi thâm canh có điều kiện hạ tầng ao nuôi đảm bảo, mua con giống chất lượng tốt, kiểm soát được các yếu tố môi trường ao nuôi. Đầu năm đến nay, người nuôi tôm đã bước vào thu hoạch, thu được lợi nhuận cao.
Nghề nuôi tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ. Thời gian đến, bước vào thời điểm gió mùa, dễ gây biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường ao nuôi, khuyến cáo nông dân cần theo dõi các yếu tố môi trường, chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tôm nuôi sinh trưởng tốt” – ông Nam cho biết.
Nguồn : Tepbac.com