Ương tôm: Bước đệm quan trọng cho vụ nuôi thành công

ao tom 44 1740713580

Trong nuôi tôm, chất lượng con giống đóng vai trò quyết định, chiếm đến 50% thành công của vụ nuôi. Nếu con giống không đạt chuẩn, tôm dễ bị hao hụt, chậm lớn, còi cọc và dễ mắc bệnh, gây tổn thất không nhỏ cho bà con.

Tôm thẻ
Ưong tôm giống trước khi thả nuôi giúp tăng tỷ lệ sống, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng, hiệu suất nuôi

Ương tôm là một trong những phương pháp được sử dụng để hỗ trợ sự phát triển của ấu trùng tôm thành tôm giống sẵn sàng cho giai đoạn nuôi thương phẩm. Nhiều hộ đang áp dụng phương pháp này, tỷ lệ sống của tôm lên đến 95%.

Ương tôm là gì?

Ương tôm giống là giai đoạn trung gian trong quy trình sản xuất tôm giống, nằm giữa giai đoạn ương ấu trùng và giai đoạn nuôi thương phẩm. Cụ thể, ương tôm giống là quá trình tiếp nhận tôm postlarvae (tôm giống) từ các trại sản xuất tôm giống, sau đó thực hiện quá trình thuần dưỡng, chăm sóc tôm đến một kích cỡ nhất định, có sức khỏe tốt, có sức đề kháng tốt để chống chọi với các điều kiện bất lợi của môi trường như thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường đến khi đạt kích thước phù hợp để thả nuôi thương phẩm.

Việc ương tôm trước khi đưa chúng ra ao nuôi rất quan trọng, vì trong giai đoạn ương tôm, con tôm sẽ được bảo vệ một cách tối ưu nhất, có thể nói là khả năng bảo vệ đàn tôm chỉ đứng sau các trại sản xuất giống. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm khi thả vào ao nuôi mà còn đảm bảo tôm đạt kích thước đồng đều, chất lượng tốt nâng cao hiệu quả nuôi tôm thương phẩm, giảm thiểu rủi ro và tăng năng suất.

Lợi ích của việc ương tôm giống trước khi thả nuôi

Nâng cao tỷ lệ sống: Ương tôm giống là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm khi thả nuôi. Thay vì thả tôm trực tiếp xuống ao ngay sau khi mua từ trại, việc ương tôm giống trong môi trường được kiểm soát giúp tôm thích nghi tốt hơn với môi trường mới và tăng đáng kể tỷ lệ sống sót.

Giảm hao hụt giống: Một trong những lợi ích lớn nhất của việc ương tôm giống là giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt. Tôm giống khi mua về và thả trực tiếp xuống ao thường bị hao hụt lớn (trên 20%). Nhờ quá trình ương dưỡng, tôm được chăm sóc kỹ lưỡng, giúp người nuôi hạn chế thiệt hại về số lượng.

Tiết kiệm chi phí: Thả tôm trực tiếp xuống ao mà không qua ương dưỡng thường dẫn đến tỷ lệ sống thấp (do tôm còn nhỏ và yếu, chưa thích nghi kịp với môi trường), buộc người nuôi phải thay đổi giống và vệ sinh ao nhiều lần. Việc đầu tư vào giai đoạn ương tôm giống không chỉ giúp bà con tiết kiệm tối đa về chi phí con giống mà còn giúp tôm khỏe mạnh, đồng đều, chất lượng vụ nuôi được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Ao tômƯơng tôm giống là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm khi thả nuôi

Kỹ thuật ương giống đúng cách

Chuẩn bị ao ương

Tôm thường được ương trong ao vèo, bể xi măng hoặc composite. Trước khi sử dụng, ao phải được vệ sinh, phơi ráo và được trang bị hệ thống sục khí và máy thổi mục đích chính là cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho tôm phát triển.

Đối với việc cấp nước nên sử dụng nước biển. Đảm bảo ao khô ráo và thiết bị trong ao được trang bị đầy đủ khi cấp nước. Nước được thêm vào thông qua một đường ống dẫn nước được trang bị bộ lọc để loại bỏ tạp chất. Sau khi cấp đầy nước, có thể thêm natri hoặc EDTA (Ethylene Diamine Tetraacetic Acid) ở mức 10 ppm để để hỗ trợ quá trình phát triển của ấu trùng và duy trì chất lượng nước ổn định..

Chăm sóc và quản lý

Mật độ ương trong ao dao động 500 – 1.000 con/m3, mật độ bể ương: 1.000 – 3.000 con/m3.

Quá trình ương phải sử dụng thức ăn công nghiệp bổ sung với 3 – 4 lần/ngày. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lưu ý biểu hiện hoạt động bắt mồi của tôm, diễn biến thời tiết và chất lượng nước để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.

Định kỳ bổ sung men tiêu, khoáng chất (Ca, P…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine…) tăng đề kháng cho tôm.

San tôm

Chỉ san tôm ra ngoài khi ao nuôi đã được chuẩn bị tốt, các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ kiềm, màu nước…) phải nằm trong khoảng thích hợp và có sự tương đồng với ao/bể ương.

San tôm bằng cách rút bớt nước xong rồi kéo lưới bắt dần, sau đó mới rút nước cạn bắt hết số tôm con còn lại. Việc san tôm nên tiến hành trong điều kiện trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) và phải đảm bảo thao tác nhanh, tránh ảnh hưởng sức khỏe tôm. Đối với bể nổi, công đoạn san tôm dễ dàng hơn nhờ hệ thống ống nước lắp đặt từ bể sang ao nuôi.

Trước khi san tôm 2 – 3 ngày, người nuôi nên mở mái che để tôm quen với môi trường bên ngoài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Ngay
chat-active-icon