Trong nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao, hệ số chuyển hoá thức ăn- FCR được rất nhiều người nuôi tôm quan tâm.
FCR (Feed Conversion Ratio, Feed Conversion Rate) được hiểu là hệ số chuyển hoá thức ăn, chấm mồi hay hiệu quả chuyển đổi từ thức ăn thành thịt tôm khi sử dụng loại thức ăn nào đó trong nuôi tôm.
FCR tăng cao có ý nghĩa gì?
FCR tăng cao là biểu hiện kết quả vụ nuôi trồng đó không hiệu quả, lợi nhuận thấp, huề vốn hoặc thua lỗ. Khi thấy chỉ số FCR tăng cao, người nuôi cần chấn chỉnh, cải thiện, việc sử dụng thức ăn, cách cho tôm ăn và quản lý thức ăn ở vụ nuôi tiếp theo. Ngoài ra, nếu người nuôi gặp phải vấn đề tăng cao FCR trong thời gian nuôi thì cần kiểm soát lại môi trường, hàm lượng khí độc, theo hướng chủ động và hiệu quả.
Nếu như FCR của vụ mùa trước tăng cao, điều đó có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nuôi, khiến họ do dự khi quyết định thả nuôi vụ mới. Khả năng triển khai vụ mới có thể gặp nhiều khó khăn về tài chính, tinh thần, không tự tin đưa ra các quyết định trong quy trình kỹ thuật. Do đó, cần có các giải pháp nhằm cải thiện FCR trong vụ nuôi tiếp theo.
FCR mùa trước cao có thể gây ảnh hưởng đến vụ nuôi mới. Ảnh: contom.vn
Nguyên nhân làm FCR tăng cao
Việc tính toán FCR được dựa trên tổng lượng thức ăn đã sử dụng, chia cho tổng khối lượng tôm thu hoạch của một vụ nuôi.
Sau khi sử dụng thức ăn, nếu quá trình chuyển đổi từ thức ăn trong suốt vụ mùa thu lại được lượng tôm với khối lượng cao, thì FCR lúc đó được coi là thấp, chấm mồi thấp. Khi FCR thấp, cho thấy loại thức ăn mà người nuôi tôm sử dụng có chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao và việc định lượng thức ăn, quản lý thức ăn, cho tôm ăn, của người nuôi tôm rất chặt chẽ và hiệu quả. Ngoài ra, khi chỉ số FCR thấp, chấm mồi thấp, cho thấy quá trình ăn mồi, tiêu hoá thức ăn, hấp thụ thức ăn và chuyển hoá thức ăn của tôm nuôi hiệu quả triệt để.
Trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh, người nuôi luôn kỳ vọng FCR, chấm mồi trong khoảng ≤ 1.2 – 1.1 hoặc ≤ 1.0. Tuy nhiên, vẫn có những mô hình nuôi đạt mức FCR lên đến 1.5 – 1.6.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc FCR tăng cao trong quá trình nuôi tôm. Nếu như người nuôi tôm có mục đích kéo dài thời gian nuôi hơn bình thường để làm cho tôm to hơn về kích cỡ, điều đó sẽ là một trong những nguyên nhân chính làm cho FCR trong ao nuôi tôm tăng cao. Ngoài ra, việc thả tôm với mật độ dày đặc cũng sẽ khiến chất lượng tôm giống không tốt, đàn tôm tăng trưởng chậm, tôm phân đàn, sẽ góp phần tăng cao về chỉ số FCR.
Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình nuôi tôm của người nuôi vẫn còn đang áp dụng những công nghệ nuôi cũ, lỗi thời, không cập nhật thường xuyên những kỹ thuật nuôi mới mà chỉ nuôi theo kinh nghiệm cũng góp phần tác động làm FCR tăng cao. Việc nuôi tôm trái vụ, nghịch vụ cũng sẽ gây những ảnh hưởng rất lớn đến FCR, vì khi đó, tôm sẽ chậm lớn hơn bình thường rất nhiều.
Nếu như thức ăn không phù hợp, không chỉ gây ra những bệnh cho tôm gây ảnh hưởng kinh tế, mà điều đó còn làm tôm chậm lớn, phân đàn, tăng trưởng chậm, làm FCR tăng cao. Việc định lượng thức ăn cho tôm theo giai đoạn nuôi, theo trọng lượng tôm, theo ngày tuổi, tình trạng sức khoẻ tôm, cũng như quản lý thức ăn khi cho tôm ăn của người nuôi, là cực kỳ cần thiết và quan trọng đối với người nuôi tôm. Vì nếu như thực hiện không tốt sẽ làm tăng lượng FCR trong vụ mùa.
FCR có thể tăng cao nếu như thức ăn không phù hợp. Ảnh: agri.vn
Và trong thời gian nuôi, người nuôi đôi khi không chú ý đến các hàm lượng khí độc có trong ao như NH3, NO3, H2S, kim loại nặng, phèn…, khiến chúng tăng cao, vượt ngưỡng an toàn cho phép trong ao tôm, làm tôm chậm lớn, phân đàn, tăng trưởng chậm, dẫn đến sức khỏe tôm kém gặp các bệnh thường gặp như EHP, gan tuỵ, phân trắng… và FCR trong ao tôm từ đó cũng tiếp tục tăng cao.
Hạn chế rủi ro về FCR trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng
Có rất nhiều giải pháp để cải thiện FCR. Đầu tiên là vấn đề trong khâu chọn con giống và chất lượng giống. Người nuôi hãy nói không với tôm giống không rõ nguồn gốc, rẻ tiền, không thương hiệu hoặc tôm giống chưa qua kiểm tra PCR. Nên chọn mua tôm giống từ cơ sở uy tín, tôm giống có thương hiệu lâu năm, có tiếng tốt trên thị trường.
Nên có giai đoạn ương tôm giống trong thời gian 18 – 20 ngày trong trại ương, hồ ương, trước khi thả nuôi. Không nên thả trực tiếp tôm xuống ao nuôi, vì tôm giống còn nhỏ, sức đề kháng kém, nếu như thả trực tiếp sẽ gây hao hụt. Tôm giống cần được chăm sóc kỹ trong thời gian ương trên. Mật độ thả giống nuôi nên tương ứng quy trình nuôi, giai đoạn nuôi. Cần thay đổi quan điểm, thả nuôi mật độ dày để thu được sản lượng cao, vì trên thực tế, việc làm đó chỉ góp phần làm cho tôm giống chậm lớn và hao hụt đáng kể.
Về thức ăn, trong đó chất lượng thức ăn, cỡ viên thức ăn, hàm lượng đạm cần chú ý định lượng thức ăn cho tôm. Định lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng theo hướng phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, phù hợp kích cỡ tôm trong ao, tình trạng sức khoẻ tôm, thực tế môi trường, diễn biến thời tiết và khí hậu. Nên cho tôm ăn 80% so với nhu cầu thực tế, tránh cho tôm ăn dư. Đối với tôm giai đoạn ương, tôm bị phân đàn, nên chia nhiều lần ăn trong ngày (7 – 9 lần/ngày), lần ăn cuối cùng nên kết thúc trước 21 giờ mỗi ngày. Giai đoạn tôm lứa, tôm thương phẩm cho ăn 5 – 6 lần/ngày. Cung cấp đúng lượng thức ăn sẽ đảm bảo tôm phát triển nhanh, tăng trưởng tốt. Định lượng thức ăn hợp lý, bà con sẽ cải thiện đáng kể chỉ số FCR, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận vụ nuôi.
Về chất lượng môi trường, định lượng thức ăn phù hợp, không dư thừa, hàm lượng khí độc thấp, tảo độc ít có cơ hội phát triển. Khi thông số môi trường ổn định, tôm phát triển, tăng trưởng tốt, khoẻ mạnh sẽ góp phần cải thiện FCR vụ nuôi. Chủ động bổ sung dinh dưỡng, Enzyme tiêu hoá, vi sinh có lợi cho đường ruột, chất hỗ trợ gan tuỵ, nhằm tăng sức khoẻ tôm, hạn chế dịch bệnh phát sinh, góp phần cải thiện FCR.
Nguồn : Tepbac.com