Hầu hết, từ tháng nuôi thứ hai trở đi, khi đó, môi trường nước ao nuôi bắt đầu ô nhiễm, tôm thẻ chân trắng có hiện tượng kéo đàn sáng sớm hay chiều mát, tôm bị đốm đen, hư đường ruột, tôm bị EHP…
Đây là thời điểm người nuôi sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất, phân vôi, thường xuyên, nhằm đối phó với những vấn đề môi trường, dịch bệnh,… Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với kháng sinh, hoá chất. Việc sử dụng thường xuyên những chất này, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như có hiện tượng lờn thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh khiến tôm chậm lớn, tôm bị đốm đen, hư gan tuỵ, giảm hoặc bỏ ăn, hư đường ruột, thay đổi sắc tố cơ thể, thay đổi chu kỳ và rối loạn cơ chế lột xác, tôm chết rải rác, tỷ lệ tôm chết tăng dần.
Việc dùng thuốc kháng sinh, hoá chất, phân vôi trong nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, khi môi trường nuôi đã quá ô nhiễm, dịch bệnh đã bùng phát, tỷ lệ tôm nhiễm bệnh chiếm hơn 50% trong ao, khi dùng thuốc kháng sinh, hoá chất thường không mang lại hiệu quả. Không những thế, kháng sinh, hoá chất, còn tác động tiêu cực, làm tôm yếu nhanh hơn, chết nhiều hơn, không thể phục hồi.
Thảo dược nuôi tôm thẻ chân trắng là gì?
Thảo dược là những cây cỏ, từ lâu đã được ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi các loài cá nước ngọt nói riêng. Thời điểm đó, giá các loại thuốc kháng sinh, hoá chất, phân vôi còn đắt đỏ, hàng hoá còn khan hiếm, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu bán thâm canh là chính. Ngoài việc, dùng cây cỏ gây màu nước, làm thức ăn tự nhiên, thảo dược còn dùng điều trị một số bệnh thường gặp trên cá nuôi trong môi trường nước ngọt như lở loét, ký sinh trùng…
Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là các mô hình nuôi theo công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, người nuôi ít quan tâm thảo dược, do đó, việc cập nhật lợi ích từ thảo dược còn hạn chế, sử dụng thảo dược trong nuôi tôm chưa phổ biến do nhiều nguyên nhân. Thuốc kháng sinh, hoá chất, phân vôi,… người nuôi đã quen dùng, hiệu quả nhanh, dễ mua, sử dụng đơn giản, nên việc sử dụng thảo dược không được người nuôi quan tâm.
Mặt khác, người nuôi cho rằng trước khi dùng thảo dược phải qua nhiều công đoạn chế biến phức tạp, nên rất tốn thời gian, hiệu quả chậm. Tuy nhiên, hiệu quả dùng thảo dược mang lại cho người nuôi tôm rất nhiều lợi ích thiết thực. Những lợi ích nếu sử dụng thảo dược như tôm không bị chậm lớn, hệ tiêu hoá không bị ảnh hưởng, các chức năng sinh lý, sinh hoá khác, diễn ra bình thường, tôm khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng.
Một số thảo dược có thể dùng trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Chất allin có trong tỏi, là axit hữu cơ, khi đập dập sẽ kết hợp với Allicinase có trong tỏi, tạo thành Allicin. Allicin có khả năng kháng khuẩn, nấm, trên tôm. Trong tỏi còn chứa chất diallyl disulfide, chất này mạnh hơn hai dòng kháng sinh đang dùng phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng là Erythromycin, Ciprofloxacin và có tác dụng nhanh hơn hai loại kháng sinh này.
Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn. Ảnh: tricksexpert.in
Ngoài khả năng kháng khuẩn, tỏi còn có tác dụng trên một số nội ký sinh trùng như trị sán, giun kim, hay các bệnh nấm. Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm, gram dương, kháng virus, kháng nấm. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Bổ sung tinh dầu tỏi cho tôm thẻ chân trắng, giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Tỏi có khả năng ức chế, thậm chí kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng theo hướng phòng bệnh chủ động.
Hợp chất chiết xuất từ cây Diệp Hạ Châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, gồm Niranthin, Hypophyllanthin, Phyllanthin, Hypophyllanthin, Phyllanthin, được chứng minh có thể ức chế DAN polymerase ở virus. Sử dụng sản phẩm diệp hạ châu cho tôm trong suốt chu kỳ nuôi, có khả năng phòng ngừa bệnh đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, liều lượng dùng diệp hạ châu chiết xuất phổ biến 8 g/kg thức ăn/ngày cho hiệu quả.
Cây trâm bầu (Combretum quadrangulare) được xem là loại thảo dược quý, chữa nhiều bệnh trên người và động vật thủy sản. Chất chiết xuất từ hạt, lá trâm bầu, ức chế tác động đối với một số loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản như: Aeromonas hydrophila, Edwardsiella ictaluri và Vibrio parahaemolyticus. Dịch trâm bầu kháng vi khuẩn A. hydrophila; E. ictaluri và V. parahaemolyticus, ký sinh trùng.
Cây trâm bầu được xem là loại thảo dược quý, chữa nhiều bệnh trên người và động vật thủy sản. Ảnh: etsy.com
Chiết xuất từ lá trầu, ức chế vi khuẩn Vibrio harveyi gây AHPND và bệnh phát sáng trên tôm thẻ chân trắng. Trong lá trầu chứa tinh dầu giàu Eugenol (1 – 3%) là nguồn gốc để làm thuốc, chất kích thích, sát trùng, thuốc bổ. Hoạt động gây bệnh của vi khuẩn dựa trên cơ chế sự hình thành màng sinh học, là kết quả của quá trình tiếp xúc giữa tế bào vi khuẩn hoặc quorum sensing (QS). Quorum sensing (QS) là một dạng “ngôn ngữ giao tiếp của vi khuẩn”, giúp chúng liên lạc, trao đổi thông tin. Các nhà khoa học sử dụng chiết xuất ethanolic và alkaloids khô từ lá trầu không, ức chế sự hình thành màng sinh học của các chủng V. harveyi …Hơn nữa, hai chiết xuất trên, ức chế đáng kể sự phát quang sinh học trong chủng vi khuẩn.
Nghiên cứu từ cây trà xanh (Camellia sinensis) cho thấy, chiết xuất có chứa các chất dinh dưỡng thực vật khả dụng sinh học, được các nhà khoa học chứng minh là có thể bảo vệ tôm nuôi khỏi sự bùng phát của hai căn bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và hội chứng bệnh đốm trắng do virus (WSSV). Chiết xuất catechin từ trà xanh, chứng minh có thể bảo vệ tôm nuôi, ngăn bùng phát hai căn bệnh đề cập trên.
Chiết xuất catechin từ trà xanh, chứng minh có thể bảo vệ tôm nuôi. Ảnh: unitech-ae.com
Cây cỏ hôi (cứt lợn, ngũ sắc, tên khoa học Ageratum conyzoides. Cỏ hôi là một giống cây nhỏ, có nhiều lông ở phần thân, chiều cao khoảng từ 25 đến 50 cm, mọc ở nhiều nơi, nhất là ở các vùng đồng cỏ. Cỏ hôi có hoa màu xanh và tím. Bà con nuôi tôm thường lấy nguyên cây cỏ hôi hoặc cắt bớt rễ, có thể sử dụng cây tươi lẫn khô, nấu lấy nước, trộn vào thức ăn, có thể trộn chung dịch lá trầu và dịch trái cau, điều trị bệnh hư đường ruột. Cây cỏ hôi chứa hàm lượng cao chất tinh dầu. Những thí nghiệm ở động vật chứng tỏ loại cây này có khả năng giúp chống phù nề, chống viêm, ung nhọt và dị ứng…
Cây cỏ mực, tên khoa học là Eclipta prostrata, họ nhà Cúc Asteraceae Cỏ mực hay còn gọi là cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo, kim lăng thảo là một loài cây mọc dại ở rất nhiều nơi trên đất nước ta, là loài cây được sử dụng từ rất lâu trong nhiều bài thuốc truyền thống ở các nước châu Á, nhằm điều trị các bệnh lý về gan, tiêu hoá, nhiễm trùng, kháng khuẩn…Những tác dụng cây cỏ mực đối với gan tôm, nhờ hàm lượng cao flavonoid và các hoạt chất sinh học khác, chẳng hạn như wedelolactone. Họ cũng sử dụng cỏ nhọ nồi điều trị bệnh về gan như viêm gan, sưng gan, giúp tăng cường chức năng gan.
Tuỳ mỗi loại bệnh, tình trạng sức khoẻ tôm, diễn biến yếu tố môi trường, thời tiết, điều kiện ao nuôi,… người nuôi cần linh hoạt sử dụng thảo dược theo hướng chủ động mang lại hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến tôm nuôi, không tồn lưu độc hại trong môi trường, tiết kiệm chí phí sản xuất.
Nguồn : Tepbac.com