Vôi – Một nguyên liệu quen thuộc của người nuôi tôm
Vôi là một loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Vôi với tác dụng nâng độ pH, tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước. Thêm vào đó, vôi còn có tác dụng diệt tạp, giảm tảo và sát trùng đáy ao, làm trong nước. Đặc biệt, đối với người nuôi tôm, vôi đóng vai trò tạo môi trường kiềm giúp vỏ tôm cứng hơn.
Vôi là một loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản
Các loại vôi được sử dụng phổ biến
– CaO (hay còn gọi là vôi sống, vôi nóng, vôi nung): Thường dùng để cải tạo ao, làm tăng độ pH. Lưu ý với ao đang nuôi tôm, cá thì không sử dụng vôi sống.
– Ca(OH)2 (hay còn gọi là vôi bột, vôi tôi): Loại vôi này sử dụng để cải tạo ao và làm tăng mạnh pH trong đất và nước.
– CaCO3 (hay còn gọi là vôi đá, vôi nông nghiệp, super canxi): Thường được người dân sử dụng để xử lý hạ phèn và khử trùng.
– Dolomite (hay còn gọi là vôi đen CaMg(CO3)2: Đây là loại vôi chuyên dùng để hạ phèn, ít làm ảnh hưởng đến độ pH.
Hiệu quả sử dụng mà vôi mang lại cho ao nuôi
Vôi được sử dụng rất nhiều trong nuôi thủy sản bởi công dụng như:
– Giúp cải tạo ao nuôi: Dể cải tạo ao nuôi, người ta dùng vôi rắc lên đáy ao giúp diệt sạch mầm bệnh và diệt tạp, tránh gây hại cho thủy sản.
– Dùng để hạ phèn (giảm kiềm): Nếu độ kiềm trong nước nuôi thủy sản quá thấp thì phải dùng vôi bón để hạ kiềm, giúp bảo vệ thủy sản thuận lợi phát triển.
– Ổn định độ pH cho ao: Độ pH quá cao hay quá thấp đều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển cũng như tỷ lệ sống của thủy sản. Do đó cần dùng vôi để ổn định pH, tăng năng suất.
– Phòng bệnh cho thủy sản: Vôi có tác dụng diệt tảo, hạn chế tảo phát triển. Vì vậy thủy sản sẽ ít bị nhiễm bệnh từ tảo, tăng thêm tỷ lệ sống và lớn nhanh hơn.
– Lắng chìm các chất hữu cơ: Trong ao nuôi chứa rất nhiều chất hữu cơ dạng keo, sử dụng vôi sẽ làm các chất này lắng chìm xuống và làm cho nước sạch. Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, nước ao thường bị đục làm hạn chế ánh sáng chiếu vào nước. Do đó, làm cản trở sự quang hợp của thực vật thủy sinh, khiến cho vật nuôi dưới nước thiếu oxi. Để khắc phục tình trạng này, người dân thường sử dụng 1 – 2 kg vôi CaCO3 trên 100 m3. Sau đó, tạt khắp ao thì độ trong của nước sẽ trở lại bình thường.
Làm như thế nào để sử dụng vôi hiệu quả
Để đạt hiệu quả cao cần phải dựa theo từng mục đích sử dụng. Nói cách khác căn cứ theo mục đích dùng để đưa ra tỷ lệ liều lượng dùng vôi cho phù hợp. Cụ thể như sau:
– Nếu dùng vôi để cải tạo ao nuôi: thì bạn có thể dùng vôi tôi (Ca(OH)2) hoặc là vôi nông nghiệp (CaCO3) với liều lượng khoảng 10-15 kg trên 100 m2 ao nuôi.
– Nếu sử dụng để hạ phèn: tùy theo giai đoạn phát triển của thủy sản mà sẽ có liều lượng phù hợp. Với ao cá con hay cá lớn, tôm thì dùng vôi nông nghiệp hòa với nước tạt xuống ao theo tỷ lệ 1 -3 kg/100 m3. Còn nếu nuôi thủy sản trong bè thì tỷ lệ là 2 – 4 kg CaCO3/ 10m3 nước, tốt nhất là cho vôi vào bịch vải nhỏ rồi treo trong bè là được.
Vôi có thể được trộn hoặc đánh trực tiếp xuống ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc
– Dùng vôi đề làm chìm các chất hữu cơ: bạn sử dụng tầm 1 – 2 kg vôi CaCO3 cho 100 m3 nước ao. Hòa vôi với nước rồi tạt khắp ao giúp màu nước trở lại bình thường.
– Nếu dùng để phòng bệnh cho thủy sản: sử dụng 1 – 2 kg CaCO3 cho 100m3 nước và tạt đều khắp ao giúp giảm nguy cơ mắc bệnh rõ rệt.
Lưu ý khi sử dụng vôi trong nuôi trồng thủy sản
Trong quá trình dùng vôi, bạn cần chú ý các điểm sau:
– Dùng vôi đúng theo tỷ lệ đã quy định đối với từng mục đích và công dụng, giúp mang lại hiệu quả, tiết kiệm và tránh rủi ro.
– Tuyệt đối không dùng quá liều lượng, sai tỷ lệ vôi bởi như vậy không đem lại hiệu quả mà còn phản tác dụng, hại tới thủy sản.
– Không lạm dụng quá mức, không dùng liên tục trong thời gian dài.
– Sử dụng đúng loại vôi, tốt nhất là vôi nông nghiệp sản xuất sẵn hoặc là vôi tôi. Tránh dùng các loại vôi khác không hiệu quả mà còn làm hại tới thủy sản.
– Vôi trước khi dùng nên đập nhỏ, thành bột, giúp thẩm thấu nhanh, phát huy hiệu quả.
– Mua vôi ở các địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng vôi lẫn giá thành hợp lý.